BP - Báo Bình Phước số ra ngày 30-8-2016 đưa tin “Đồng bào S’tiêng trồng rau”. Bản tin có nội dung: 35 hộ đồng bào S’tiêng ở sóc Ông La, thôn 10, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng vừa thiết kế được vườn rau xanh với diện tích 500m2. Anh Điểu Sách là người nhận trách nhiệm chăm sóc và phân phối rau cho từng gia đình trong sóc. Người dân trong sóc có trách nhiệm đóng góp phân chuồng để cùng nhau chăm bón vườn rau. Quỹ đất, nước phục vụ trồng rau do anh Điểu Nhôn, Trưởng sóc Ông La hiến tặng.
Trồng rau phục vụ nhu cầu hằng ngày của cuộc sống con người tưởng bình thường như chuyện mặt trời mọc đằng đông mỗi buổi sáng. Thế nhưng, thực tế không hoàn toàn vậy. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số thường gắn với chim muông, núi rừng. Cách ăn uống, sinh hoạt của đồng bào cũng thường gắn với sản vật của núi rừng. Vì thế, không khó lý giải khi đồng bào có nhiều món ăn “sở trường” là rau rừng, rất tốt cho sức khỏe. Ví dụ như đọt mây, lá nhíp, lá giang... là những loại rau “đặc sản” của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Ngược lại, đồng bào không thích thú với các loại rau trồng như rau muống, rau ngót, rau cải... Sự khác biệt lớn nhất của hai loại rau này ở chỗ một là sản vật thu lượm trong rừng hoặc từ tự nhiên - rau dại, một là sản phẩm do bàn tay con người trồng nên, thuần hóa từ tự nhiên hoặc lai tạo ra.
Khi rừng ngày càng bị thu hẹp, thậm chí có nơi không còn, song song đó dân số ngày một đông hơn, tất yếu dẫn tới rau rừng không đủ để đáp ứng được nhu cầu của đồng bào. Vì thế, nhiều năm qua đồng bào dân tộc thiểu số đã dần quen sử dụng rau trồng trong bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng, một vấn đề quan trọng khác đồng bào chưa quen trồng ra những cây rau đó.
Ở miền Bắc, miền Trung điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nhưng người dân vẫn trồng rau ở bất kỳ khoảng đất trống nào, thậm chí trồng cả trên dải phân cách đường cao tốc hay khoảng trống giữa tường rào với đường làng ngõ xóm; ở thành thị trồng rau trên mái nhà... Trong khi đó, ở Bình Phước cũng như nhiều vùng nông thôn của Nam bộ, Tây Nguyên đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi nhưng lại bỏ đất cho cỏ mọc um tùm hằng ngày phải bỏ tiền mua rau. Điều đáng bàn không chỉ ở chỗ một năm đồng bào phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua rau, mà là nhận thức và thói quen lao động, thói quen tính toán để tự lo cho bản thân, lo cho gia đình cần phải thay đổi.
Phân tích như thế để thấy việc đồng bào S’tiêng ở sóc Ông La trồng rau để ăn hằng ngày có ý nghĩa như thế nào và vì sao chuyện “mặt trời mọc đằng đông” lại được đăng trên báo! Trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện có nhiều tấm gương tương tự như vậy. Đó là những tấm gương chịu khó lao động, thâm canh cây trồng, tính toán giỏi để làm giàu... Vấn đề đặt ra là hiệu ứng từ những tấm gương ấy có được lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số? Kết quả đó phụ thuộc vào cả một “bộ máy” làm công tác tuyên truyền, dân vận của Đảng và Nhà nước. Làm thế nào để có hiệu quả tốt nhất, có lẽ không phải là câu hỏi khó. Bởi khâu khó nhất là những hình ảnh trực quan, người thật, việc thật - thì đã có. Phần còn lại là trách nhiệm và tình cảm của những cán bộ trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào dân tộc thiểu số!
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065