LTS: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2012/NĐ-CP. Nghị định này quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các bộ, ngành); Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND các cấp) trong việc bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội LHPN huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Hội LHPN xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là các cấp Hội LHPN) tham gia quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong nghị định này.
* Trách nhiệm của các bộ, ngành
Tại Điều 3 của nghị định này đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành mời Hội LHPN Việt Nam: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo quy định của pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phụ nữ, trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong các lĩnh vực có liên quan.
Ngày hội đập heo đất - tấm lòng vàng của Hội LHPN huyện Lộc Ninh - Ảnh: P.T
Tạo điều kiện cho Hội LHPN Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Ngoài quy định trên, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chế độ hỗ trợ về kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước.
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm mời Hội LHPN cùng cấp trong việc: Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; tham gia là thành viên chính thức trong các tổ chức tư vấn (hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo...) liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Hội LHPN cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; nghiên cứu, xem xét và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội LHPN cùng cấp như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước.
* Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội LHPN
Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội LHPN có trách nhiệm: Cử đại diện tham gia các hoạt động quản lý nhà nước; chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới; cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của các cấp Hội LHPN Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội LHPN thực hiện nghị định này.
Nguyên tắc phối hợp (Điều 2) 1. Quan hệ công tác giữa các bộ, ngành với Hội LHPN Việt Nam; UBND các cấp với Hội LHPN cùng cấp là mối quan hệ phối hợp trên nguyên tắc tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. 2. Các bộ, ngành và UBND các cấp tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, phương tiện để Hội LHPN cùng cấp tham gia quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan.
Nội dung nghị định cũng quy định rõ: Định kỳ 6 tháng một lần, UBND cấp huyện, cấp xã làm việc với Hội LHPN cùng cấp để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách và những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Hàng năm, lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách và những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Đối với cấp xã, mỗi năm một lần UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Hội LHPN cùng cấp tổ chức đánh giá việc thực hiện nghị định này và gửi báo cáo về UBND cấp huyện để tổng hợp, đánh giá gửi về UBND cấp tỉnh.
TH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065