Điều 27 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về đất đai. Điều này có 4 khoản, trong đó nội dung của Khoản 4 như sau: 4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp với thực tế của bộ máy công quyền hiện nay. Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì không có lý gì mà người có thẩm quyền và cơ quan nhà nước chỉ “tạo điều kiện” cho người dân nắm bắt thông tin về quản lý, sử dụng đất đai.
Kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, trồng rừng che phủ đồi núi trọc để bảo vệ môi trường - Ảnh: Nhất Sơn
Vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ “tạo điều kiện” ở Khoản 4, mà khảng định rõ trong luật là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải chủ động cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho người dân. Có như vậy thì người có thẩm quyền mới thực sự là công bộ của dân và nhà nước mới thực sự là của dân, do dân và vì dân. Như vậy, khoản 4 của điều này sẽ được viết lại như sau: 4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm phải cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 34 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó ở Khoản 6 và 7 có nội dung như sau: 6. Dân chủ và công khai. 7. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Đối với nội dung của Khoản 6, theo tôi thì chỉ có dân chủ, công khai không thì cũng chưa đủ mà công khai thì phải minh bạnh. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “minh bạch” và ngay sau cụm từ “công khai”.
Còn ở Khoản 7, theo suy nghĩ của tôi thì vấn đề môi trường được đề cập ở đây chủ yếu là các bãi xử lý chất thải, nghĩa trang, công viên và tỷ lệ cây xanh che phủ…. Tất cả những yếu tố này đều là những công trình công cộng và mang tính chất phục vụ cho cộng đồng. Vì vậy, ta có thể quy định chung là “công trình phúc lợi công cộng”. Tuy nhiên, bảo đảm về môi trường không thì cũng chưa đủ, mà quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tính đến vấn đề an ninh lương thực của quốc gia. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị Khoản 7 và viết lại như sau: 7. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; duy trì diện tích trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và trồng rừng che phủ đồi núi trọc để bảo vệ môi trường.
Điều 41 là những quy định về trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm 4 khoản, với quy định như sau: 1. Chính phủ tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 3. Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; Bộ Công an tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. 4. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Chính phủ.
Theo suy nghĩ của tôi thì quy định như trên là chưa hoàn toàn chuẩn xác và đầy đủ. Vì việc lập quy hoạch sử dụng đất là liên quan đến cộng đồng dân cư và để đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch thì phải có sự tham gia hoặc tham vấn của Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp. Nếu không thống nhất được về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thì phải trưng cầu ý kiến của nhân dân trong vùng quy hoạch. Có như vậy mới bảo đảm sự công khai, công bằng, minh bạch, dân chủ và trách sự lạm dụng quyền lực của các chính quyền địa phương để lấy đất của dân. Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 4 của điều này cần được bổ sung nội dung “đảm bảo sự tham vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và” vào ngay sau từ “phải”. Như vậy, Khoản 4 cũa điều này được viết lại như sau: 4. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sự tham vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Chính phủ.
Văn Lâm (Đồng Xoài)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065