NHỮNG DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG
Sản phẩm của Công ty TNHH SX TM Phúc An, phường Phước Bình (Phước Long) đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản... Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc công ty cho biết, so với các doanh nghiệp (DN) khác thì Phúc An ra đời sau (2004) nhưng được đánh giá là một trong những DN chế biến, xuất khẩu điều hàng đầu của tỉnh.
Thành công của Phúc An là nhờ mạnh dạn đầu tư nhân lực và trang bị máy móc hiện đại để chế biến sâu sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Năm 2004, công ty chỉ có 50 người thì nay là 300 người. Năm đầu thành lập doanh thu đạt 25 tỷ đồng thì 2 năm 2015, 2016 là 640 tỷ đồng/năm. Hiện Phúc An sản xuất với công suất đạt 25 container/tháng và chuẩn bị đưa dây chuyền nhà máy hiện đại thứ 2 vào hoạt động với công suất 50 container/tháng. Phúc An đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô hơn 3 triệu USD, theo chuẩn BRC công nghệ tự động liên hoàn, có máy bắn màu 4D, máy dò tạp chất thế hệ mới; lắp đặt hệ thống xông tiêu chuẩn châu Âu. Đầu tư hệ thống đóng gói, kiểm soát khép kín bảo đảm ATVSTP và giảm lao động phổ thông. Hiện công ty có 1 giáo sư tư vấn kinh doanh quốc tế, 1 thạc sĩ kinh doanh quốc tế, 7 kỹ sư công nghệ thực phẩm... Công ty thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo để quảng bá sản phẩm, đồng thời lấy ý kiến đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Qua đó, điều chỉnh sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Đỗ Chơn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Long, thị xã Phước Long cho biết, công ty thành lập và đi vào hoạt động năm 1998, là một trong những DN chế biến điều có mặt đầu tiên ở Bình Phước. Gần 20 năm qua, Sơn Long luôn đặt chất lượng sản phẩm, ATVSTP lên hàng đầu. Sản phẩm của công ty đạt chuẩn ISO, HACCP nên bán được giá cao và không bao giờ tồn kho.
Bình Phước còn có doanh nhân lấy uy tín sản phẩm làm cơ sở phát triển DN, bằng dây chuyền sản xuất khép kín từ đầu vào nguyên liệu, đầu ra sản phẩm như Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 Tạ Quang Huyên, xã Minh Hưng (Bù Đăng). Nhiều doanh nhân mạnh dạn tìm thị trường mới đầy tiềm năng như ở khu vực châu Á và không ngại lội ngược dòng để mở thị trường trong nước, giúp người Việt làm quen, thưởng thức hương vị thơm ngon, bổ dưỡng của hạt điều như Giám đốc Trần Văn Sơn, Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo (Đồng Xoài); Hoàng Chuẩn, Công ty Hoàng Phú (Lộc Ninh).
Là thủ phủ của cây điều nên Bình Phước tập trung nhiều DN, cơ sở chế biến với sản lượng chiếm 65%/sản lượng chế biến ngành điều Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 DN và 400 cơ sở chế biến điều tập trung tại vùng nguyên liệu Bù Đăng, Phước Long, Bù Gia Mập. Tuy nhiên, doanh nhân, DN tiên phong ngành điều có chiến lược kinh doanh bài bản, có năng lực tài chính ở Bình Phước mới chỉ tính trên đầu ngón tay. DN đông nhưng chưa mạnh, chủ yếu thực hiện công đoạn chẻ hạt điều gia công cho các DN lớn ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An.
Do đó, chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu điều Bình Phước đến năm 2020 là phấn đấu có 100% cơ sở chế biến được cấp giấy chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn về nhân điều xuất khẩu và 20% sản phẩm nhân điều, 50% dầu vỏ hạt điều chế biến sâu. Có khoảng 15 ngàn tấn sản phẩm sau nhân điều được chế biến sâu. Đầu tư cải tạo, nâng cấp thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến cho các DN chế biến dầu vỏ hạt điều với tổng công suất thiết kế trên 200 ngàn tấn vỏ/năm (tương đương trên 30 ngàn lít dầu/năm).
PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU BÌNH ỔN
Nhiều thập kỷ nông dân và chính quyền các cấp ở Bình Phước coi điều là cây xóa đói giảm nghèo. Ông Võ Hùng Chiến, “vua” trồng điều ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) cho biết, chỉ cần nông dân đầu tư cho cây điều bằng 1/3 của cao su thì mỗi năm thu 2-3 tấn/ha nếu thời tiết thuận lợi. Giá điều nông dân bán tại vườn trong mùa thu hoạch năm 2015 bình quân 26,5 ngàn đồng/kg và năm 2016 là 32,5 ngàn đồng/kg thì thu lãi 40-45 triệu đồng/ha (giá điều khô vào kho DN hiện đã chạm mốc 55-60 ngàn đồng/kg) mà nông dân không phải ứng phó với nhiều bệnh như cao su hay “chiều chuộng” như cây tiêu.
Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng, hạt điều Bình Phước đã tạo thương hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước “khi nói đến hạt điều là nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến Bình Phước...”. Từ năm 2014, Vinacas đã có nhiều động thái quan tâm đến nông dân trồng điều và vùng nguyên liệu điều Bình Phước như: Mở các hội thảo cùng DN, lãnh đạo tỉnh bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu; chính sách đầu tư cho nông dân trồng điều như mô hình ghép cải tạo vườn điều, đề xuất thành lập quỹ phát triển điều bình ổn từ nguồn thu 2 USD/tấn điều nhân xuất khẩu, trong đó 70% hỗ trợ nông dân. Giống là yếu tố quyết định vùng nguyên liệu bình ổn. Theo đó, Vinacas đề xuất Bình Phước nhanh chóng công nhận các dòng giống tốt trên địa bàn. DN sẽ tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất, cung cấp giống cho nông dân không vì lợi nhuận để tạo vùng nguyên liệu ổn định có chất lượng cho DN.
Bình Phước có 77.000 hộ trồng điều, nghĩa là hơn 30% số dân sống nhờ cây điều. Xác định được tầm quan trọng, Bình Phước xây dựng Đề án phát triển điều bền vững đến năm 2020, ổn định diện tích cây điều 200.000 ha/300.000 ha cả nước, năng suất bình quân 2 tấn/ha. Các trung tâm, DN hằng năm sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 300 ngàn cây giống và trên 300 ngàn chồi đủ tiêu chuẩn phục vụ trồng mới và ghép cải tạo. Về tổ chức sản xuất, hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất - tương ứng với diện tích từ 3.000-5.000 ha ở 111 xã, phường, thị trấn (với khoảng 1.200 hộ) như tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ và liên minh nông dân trồng điều. Hội điều Bình Phước tổ chức, vận động DN tham gia liên kết với nông dân xây dựng vườn điều lớn, vùng nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm...
Tin vui đến với nông dân là ngày 3-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 9316/TB-BNN-VP đồng ý với kiến nghị của Bình Phước về việc cần có một gói tín dụng cho cây điều, tương tự như chương trình tín dụng cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang được vay thực hiện tái canh vườn cà phê già cỗi hiện nay.
Với định hướng, giải pháp, chính sách khuyến khích ổn định vùng nguyên liệu tốt; có chiến lược cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu mũi nhọn sẽ chắp cánh cho ngành điều Bình Phước vươn ra “biển lớn”, tương xứng với tiềm năng vùng nguyên liệu lớn sản xuất ra sản phẩm hàng đầu thế giới.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065