Cách thành phố Móng Cái sầm uất và náo nhiệt chưa đến 10km là một không gian hoàn toàn khác biệt của Trà Cổ hoang sơ, yên bình. Với hơn 15km đường bờ biển, Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam. Đây cũng là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo nên. Cảnh đẹp biển Trà Cổ không nơi đâu có được: làn cát mịn, nước biển trong xanh mang dáng dấp của biển miền Trung nhưng lại có những dãy núi soi mình mang dáng dấp biển miền Bắc. Sự hòa lẫn của các vùng biển ấy tạo cho Trà Cổ vẻ đẹp sông núi hiền hòa, trữ tình và nên thơ. Đã có khá nhiều danh hiệu được đặt cho bãi biển Trà Cổ như: Bãi biển hoang sơ nhất, Bãi biển lãng mạn nhất, Bãi biển gần biên giới nhất... Vào những đêm biển lặng, ít sóng, du khách có thể thuê thuyền đánh cá trải nghiệm câu mực trên biển với ngư dân.
Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ “S” của Việt Nam
Xuất phát từ thành phố Móng Cái, xe chạy bon bon trên đường nhựa thẳng tắp, một bên là những nếp nhà nhỏ xinh của xóm làng vùng biên, một bên là bờ biển với hàng dương trong gió lộng rì rào. Trên cung đường này, có đình Trà Cổ và nhà thờ Trà Cổ. Ở khu vực biên giới nhưng đình Trà Cổ gần 600 năm tuổi gây ấn tượng bởi kiến trúc thuần Việt với đặc trưng của các đình làng vùng đồng bằng Bắc bộ, mái lợp ngói mũi hài vút cong, khung nhà gỗ 5 gian, 2 chái, hoa văn chạm trổ rồng, phượng, hoa sen... Trải qua nhiều lần trùng tu, đình Trà Cổ vẫn mang đậm nét cổ kính và lưu giữ nhiều hiện vật nguyên bản quý giá. Dân gian nơi đây còn lưu truyền câu “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” gắn liền với nguồn gốc mái đình, làng biển nơi này (xuất xứ cư dân nơi đây chủ yếu từ Đồ Sơn, Hải Phòng đi khai hoang mở đất, lập làng). Cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch hằng năm, lễ hội đình Trà Cổ lại thu hút đông nhân dân và du khách thập phương đến dự, là ngày hội văn hóa đặc sắc của vùng biển Đông Bắc. Cách đình không xa là nhà thờ Trà Cổ, được xây dựng từ thế kỷ XIX, kiến trúc đẹp mắt, đồ sộ, rêu phong in dấu thời gian trên những mảng tường trắng xám. Hiện nhà thờ còn lưu giữ hàng trăm bức phù điêu tinh xảo và 1 quả chuông gần trăm tuổi.
Trà Cổ được biết đến nhiều bởi có mũi Sa Vĩ, điểm cực Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, nơi bắt đầu đường bờ biển dài hơn 3.000km nước ta. Gọi Sa Vĩ là bởi mỗi khi thủy triều xuống, nơi đây nổi lên một doi cát dài uốn lượn, được ví von như đuôi rồng. Còn khi nước dâng lên, nơi cắm cột mốc phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc lại trở thành hòn đảo nhỏ cách bờ cả trăm mét...
Ở Trà Cổ chưa có nhiều dịch vụ du lịch, nổi bật chỉ có công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, khánh thành cuối năm 2013. Được thiết kế theo hình những chiếc lá dương biển độc đáo, khu nhà là điểm dừng chân nghỉ ngơi, giải khát, ngắm mũi Sa Vĩ và vùng biển xung quanh từ trên cao. Đây cũng là điểm tổ chức trưng bày một số tranh, ảnh, tư liệu thể hiện văn hóa các vùng miền Việt Nam. Đứng trên tầng cao nhất của Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hình lưỡi liềm của bờ biển Trà Cổ hơn 15km. Tuy cực Đông của Việt Nam ở tận mũi Điện (Phú Yên) nhưng mũi Sa Vĩ lại là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của miền Bắc. Bởi vậy, người ta thường cho rằng, được đón khoảnh khắc bình minh lên ở mũi Sa Vĩ là điều may mắn.
Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, Trà Cổ được công nhận Khu du lịch quốc gia vào tháng 4-2019. Việc công nhận Khu du lịch quốc gia Trà Cổ đã góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của ngành du lịch Móng Cái; tạo động lực và cơ hội để địa phương bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh. (*)
*Bài viết tham khảo nguồn mongcai.gov.vn
Trà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065