TPP tiền thân là Hiệp định hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định P4) với 4 nước thành viên có ý tưởng ký kết từ tháng 6-2005. TPP được đàm phán từ tháng 3-2010. Sau 5 năm đàm phán, tham gia TPP đến thời điểm ký kết ngày 4-2-2016 gồm các quốc gia: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Thủ tướng New Zealand John Key (đứng thứ 6 từ phải sang) và đại diện các quốc gia TPP chụp ảnh sau lễ ký chính thức. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (đầu tiên từ phải qua) - Ảnh: Internet
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand John Key, bộ trưởng các nước đã lần lượt ký kết hiệp định. Đại diện của Việt Nam tham gia ký kết là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Theo quy định, sau khi ký kết, văn bản hoàn chỉnh sẽ được Chính phủ trình lên Quốc hội của các quốc gia để phê chuẩn và có hai năm để hoàn thành, trước khi hiệp định có hiệu lực.
TPP là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới, trải dài khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm ba lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân. TPP bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, sẽ tạo ra một khối kinh tế mới với các rào cản thương mại được hạ thấp đối với hầu hết các mặt hàng, từ thịt bò, các sản phẩm từ sữa tới hàng may mặc, cũng như các tiêu chuẩn và quy tắc mới về đầu tư, môi trường và việc làm.
Vượt qua khuôn khổ của một hiệp định thương mại, TPP còn là “xương sống” về kinh tế trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất trong khu vực, tiếp đó là Malaysia.
Viện kinh tế toàn cầu Peterson (PIIE) cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi hàng dệt may, da giày được miễn thuế quan vào thị trường Mỹ. Điều này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm tăng đáng kể dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. PIIE dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 31,7%, tăng mạnh nhất so với các nước khác tham gia TPP.
Đối với riêng Việt Nam và Mỹ, ngày ký kết TPP 4-2-2016 còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi trùng với ngày Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam 4-2-1994. Thành phố Auckland, New Zealand - nơi ký TPP - cũng chính là nơi đầu tiên hai nước Việt Nam và Mỹ dự kiến ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) tháng 9-1999 nhưng sau đó hoãn lại đến tháng 7-2000.
Đối với Việt Nam, việc ký kết Hiệp định TPP có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán và ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Điều này cho thấy trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có bước trưởng thành lớn kể từ khi tham gia ASEAN năm 1995.
Cùng với các hiệp định thương mại tự do như với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu mà Việt Nam vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015, TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho kinh tế nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
TPP được ký kết nhằm thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của TPP là thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên, thông qua các biện pháp giảm và loại bỏ phần lớn các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn... TPP bao quát nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn cả trong lĩnh vực lao động, môi trường, đấu thầu, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ... Do vậy, TPP sẽ tác động tăng trưởng kinh tế của cả 12 quốc gia thành viên, tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường...
Song song với cơ hội tăng mạnh xuất khẩu, gia nhập TPP Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác.
Hưng Nguyên (Tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065