- Lứa tuổi thường dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản và sự nguy hiểm của bệnh
+ Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Theo Y văn Thế giới, tại những vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số trường hợp mắc bệnh), trong đó đa số là trẻ từ 1 – 5 tuổi.
+ Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản cao nhất ở nhóm trẻ em từ 5 - 9 tuổi hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa từng được tiêm chủng, họ có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, đi hợp tác lao động hoặc đi công tác vào vùng bệnh viêm não Nhật Bản đang lưu hành.
+ Bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người, nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Theo các báo cáo thống kê, tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 30%.
+ Những bệnh nhân may mắn qua khỏi cơn bệnh thì cũng có khoảng 1/3 để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người…
- Phương thức lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản và những dấu hiệu gợi ý
+ Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút. Năm 1938, cũng chính các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex tritaeniorhynchus, và sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của vi rút viêm não Nhật Bản là loài lợn và chim.
+ Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người, thường vào thời điểm từ 18g00 - 22g00, muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng. Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
+ Ở trẻ lớn và người lớn, dấu hiệu thường gặp bao gồm những triệu chứng gợi ý sau:
• Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39oC – 40oC, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
• Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở não, ở màng não và rối loạn thần kinh thực vật. Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là “cứng gáy” và dấu hiệu Kernig (dấu hiệu này do bác sĩ khám và xác định). Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều khuôn mặt như co cứng cơ mặt, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
• Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề như nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
+ Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện hơn, cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn ói nhiều, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
- Phác đồ điều trị và phương pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản
+ Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do vi rút. Mặc dù đã có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại vi rút chứ không phải tất cả các vi rút. Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng ở người bệnh, phối hợp những điều trị hỗ trợ và nâng đỡ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe cho người bệnh.
+ Trẻ nhỏ cần được điều trị tại những bệnh viện tuyến chuyên khoa có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời những biến chứng nguy hiểm của bệnh, giúp trẻ qua khỏi cơn nguy kịch và giảm đến mức thấp nhất những di chứng nặng nề có thể xảy ra sau khi trẻ khỏi bệnh.
+ Việc phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo gồm những phương pháp sau:
• Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy.
• Khi đi ngủ cần ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để đề phòng muỗi đốt.
• Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
• Việc tiêm chủng sẽ được áp dụng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ 1 từ 1 - 2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065