Tại buổi làm việc, tỉnh đề xuất 4 khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là về quy hoạch và triển khai một số dự án trên đất lâm nghiệp để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, HĐND tỉnh đã phê duyệt, điều chuyển 19.067 ha đất lâm nghiệp ra khỏi lâm phần và đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 149/NQ-CP, ngày 13-12-2018 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016-2020 tỉnh Bình Phước thì diện tích đất lâm nghiệp được chuyển mục đích sử dụng chỉ là 6.020 ha. Do đó, một số công trình trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh tại địa phương không thực hiện được do không thuộc diện tích được chuyển mục đích sử dụng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đề nghị Bình Phước có những giải pháp lấy rừng nuôi rừng, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới
Toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 ha đất lâm nghiệp thuộc các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, được quy hoạch là đất rừng sản xuất. Để ổn định cuộc sống của người dân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ổn định dân cư), quốc phòng, an ninh tại địa phương, UBND tỉnh đề nghị tổng cục xem xét, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuận chủ trương cho thực hiện các trình tự, thủ tục điều chỉnh thêm khoảng 20.000 ha ra khỏi đất lâm nghiệp thuộc kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2025 của tỉnh. Trước mắt, chấp thuận cho lập thủ tục chuyển ra khỏi lâm phần diện tích khoảng 4.000 ha để thực hiện các dự án.
Để tiếp nhận, quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, tỉnh đề nghị đoàn xem xét tham mưu tổng cục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho phép Bình Phước có cơ chế đặc thù được thành lập Ban quản lý rừng để quản lý 13.171 ha rừng và đất lâm nghiệp đang tạm giao Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú quản lý.
Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển lâm nghiệp trên đất rừng sản xuất, tỉnh đề nghị đoàn xem xét báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho địa phương được phân chia các lô rừng trồng là rừng sản xuất với diện tích tối đa 100 ha/lô. Đồng thời, đề xuất được sử dụng nguồn truy thu tiền dịch vụ môi trường rừng 2 năm 2011 và 2012 chưa giải ngân (12,229 tỷ đồng) thực hiện các dự án cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các sở phối hợp tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết theo đúng quy định, trình tự đối với diện tích đất chuyển đổi làm các dự án. Việc thành lập Ban quản lý rừng là hướng đi đúng đắn nhằm bảo vệ và phát triển rừng, đề nghị tỉnh làm theo hướng dẫn chung. Ông Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết, theo quy định, không thể phân chia các lô rừng trồng là rừng sản xuất với diện tích lô tối đa 100 ha. Với đề xuất về việc được sử dụng nguồn truy thu tiền dịch vụ môi trường rừng, đoàn đề nghị thực hiện đúng, đủ thủ tục các dự án mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo vệ rừng. Đồng thời đề nghị, tỉnh cần quan tâm để có những giải pháp lấy rừng nuôi rừng, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Mai ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065