Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 diễn ra ngày hôm qua, 9-1, tại Hà Nội.
Trong một ngày diễn ra hội nghị, đại diện 14 tỉnh, thành trong cả nước chia sẻ nhiều cách làm hay trong công tác tuyên giáo năm 2012.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, năm 2012, Hà Nội đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình đô thị hóa và là một trong những địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch nhưng Ban Tuyên giáo đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý các vấn đề “nóng” với phương châm đề cao đối thoại trực tiếp và vận động, thuyết phục. Ông Lợi đơn cử, thông qua đối thoại, thuyết phục, vận động về tư tưởng, Ban Tuyên giáo đã thành công trong việc thuyết phục tác giả một cuốn sách có tư tưởng lệch lạc nhận ra sai lầm để từ bỏ ý định xuất bản cuốn sách đó, thu hồi lại những bản đã phát tán.
|
Hội nghị cũng ghi nhận nét mới thí điểm tại Lào Cai khi tổ chức hệ thống tuyên giáo cấp xã, phường là công tác tuyên - vận; khắc phục được hạn chế lâu nay là cán bộ tuyên giáo có trình độ lý luận nhưng thiếu thực tiễn, trong khi cán bộ dân vận thì hiểu rõ thực tiễn nhưng thường thiếu lý luận thuyết phục.
Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Trương Minh Chiến cũng cho biết, bước đầu thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, Bạc Liêu đã có nhiều cách làm thiết thực để giải quyết tốt các điểm nóng khiếu kiện trên địa bàn, trong đó có quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của từng đồng chí lãnh đạo cấp ủy cao nhất và “khoán gọn” việc giải quyết dứt điểm từng vụ việc theo trách nhiệm từng người.
Đặc biệt, theo ông Chiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định xây dựng quy chế bảo vệ người dám tố cáo khiếu nại ai đó hoặc tổ chức, cá nhân nào đó có vi phạm, sai trái, tiêu cực, tham nhũng.
Công tác tư tưởng phải đi trước một bước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả ngành tuyên giáo đã làm được trong năm 2012, như việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, để lại dấu ấn tốt đẹp về các hoạt động lớn, đặc biệt là các hội nghị T.Ư, các kỳ họp QH, các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm; đã quan tâm nhiều hơn đến việc biểu dương những điển hình tốt, những việc làm mới;... đấu tranh phê phán những hiện tượng tiêu cực, uốn nắn lệch lạc, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định chất lượng một số hoạt động, một số công việc của ngành tuyên giáo còn hạn chế, chưa được như mong muốn, “nhất là chưa nắm chắc những diễn biến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng trong các tầng lớp nhân dân, các tầng lớp xã hội để có đề xuất và có biện pháp thông tin, giải thích thích hợp, tạo đồng thuận cao hơn”.
Đồng tình với những nhiệm vụ ngành tuyên giáo đề ra trong năm tới, song Tổng bí thư lưu ý nhiệm vụ trước tiên của những người làm công tác tuyên giáo là phải nắm bắt cho được tình hình tư tưởng, diễn biến tâm trạng xã hội, giữa các cung bậc đan xen mừng - lo, vui - buồn, băn khoăn trăn trở, để xem khuynh hướng nào nổi bật lên, trên cơ sở đó thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.
Nêu rõ 6 nội dung quan trọng mà toàn ngành tuyên giáo cần tổ chức thực hiện trong năm 2013, Tổng bí thư chỉ đạo việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về công tác chính trị tư tưởng và công tác xây dựng Đảng; triển khai bài bản với nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp bằng các kênh thông tin đa dạng, hiện đại; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ CB ngành tuyên giáo. Tổng bí thư nhấn mạnh: “Phải bắt đầu từ công tác tư tưởng. Tư tưởng có thông thì làm việc mới thoải mái, nhận thức có thống nhất thì mới thành hành động đoàn kết nhất trí cao được, còn mỗi người nghĩ một khác làm sao mà làm chung được. Mỗi anh thích đi một hướng làm sao mà đưa con đò sang sông được”, ông nói.
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, một trong những nhiệm vụ quan trọng năm 2013 mà Tổng bí thư đặt ra với ngành tuyên giáo là phải làm sao nâng cao được nhận thức, tư tưởng chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng, nắm chắc đường lối cơ bản của Đảng để vận dụng sáng tạo trong thực hiện, vững vàng không dao động, giữ vững niềm tin.
“Bây giờ nghe nhiều khó khăn, tiêu cực hình như niềm tin không được như trước. Trong khó khăn càng phải giữ vững niềm tin. Ngành tuyên giáo làm sao phải tạo ra được niềm tin, giữ vững, củng cố, tăng cường lấy niềm tin, niềm tin vào Đảng, vào chế độ, vào nhân dân, vào khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng. Đồng thời, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhà nước, trong nhân dân, rồi mới đi vào các biện pháp cụ thể. Mọi lời nói, việc làm, hành động phải nhằm vào mục tiêu nguyện vọng ấy, tạo cho được chuyển biến về vấn đề này”, ông đề nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh khi kết luận hội nghị cũng đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành tuyên giáo trong năm 2013 và lưu ý: Đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo ngoài vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, phải thể hiện ở mức cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kiên định đường lối đổi mới, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm. Đồng thời phải nâng cao hơn nữa tính khoa học, tính chiến đấu, chất nhân văn; khắc phục cách làm xơ cứng, lý thuyết suông, thậm chí áp đặt và những hạn chế, thiếu sót, yếu kém khác; coi trọng đối thoại, vận động, thuyết phục; kiên trì và thực hiện tốt hơn phương châm tuyên giáo phải đi trước một bước; sử dụng nhiều kênh, nhiều loại phương tiện, nhiều lực lượng để tuyên truyền.
Cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn dẫn thực trạng: mặc dù đã có quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, tình trạng cung cấp thông tin không kịp thời, thiếu chủ động, né tránh vẫn diễn ra không ít. Theo ông Doãn, trong thời đại bùng nổ thông tin, bùng nổ phương tiện thông tin, mọi người dân đều có thể trở thành chủ thể cung cấp thông tin; hơn ai hết, các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước phải được cung cấp thông tin, định hướng thông tin kịp thời hơn. “Có những vụ việc như tập trung đông người, biểu tình hay các vụ việc nhạy cảm khác... báo chí chúng ta không đề cập gì thì báo chí nước ngoài lại đưa rất nhanh, rất dồn dập, bản tin truyền hình cứ 5 phút đưa một lần và như vậy quyền định hướng dư luận đã thuộc về họ. Về sự kiện, chúng ta cần đưa để mọi người thấy ta không né tránh, không giấu giếm thông tin. Về phương thức ta cần đưa bình luận để bày tỏ quan điểm cái gì ủng hộ, cái gì cần phê phán, như vậy sẽ tạo ra thế chủ động về thông tin cho báo chí chúng ta và cũng định hướng được cho dư luận xã hội”, Thứ trưởng Doãn đề xuất. |