Nhận thức về tòa soạn hội tụ
Môi trường truyền thông số có thể được hiểu là môi trường do kỹ thuật - công nghệ số làm nền tảng, tạo ra những khả năng siêu việt cho hoạt động báo chí - truyền thông; đó là quá trình tạo ra khả năng siêu kết nối và siêu tương tác xã hội, công chúng chủ động và hệ dữ liệu lớn (big data), hệ sinh thái truyền thông online… Vậy nên, trong môi trường truyền thông số hiện nay, nhìn lại cách thức tổ chức sản xuất tin của các tòa soạn báo chí hiện có những bất cập, cần thay đổi theo hướng tòa soạn hội tụ mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng và nhiều chiều của công chúng xã hội, từ đó thu phục được công chúng vào tầm ảnh hưởng, làm tốt công tác tư tưởng…
Lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tham quan Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang trong lộ trình hướng tới tòa soạn hội tụ
Mô hình, cách thức tổ chức tòa soạn truyền thống đã một thời tạo nên giá trị tin tức nhưng nay, nó trở nên bất cập. Đó là vì nó tổ chức sản xuất tin theo đơn tuyến, khép kín và khó tận dụng khả năng siêu kết nối và siêu tương tác xã hội, ngày càng xa lánh công chúng chủ động, khó thích ứng hệ sinh thái truyền thông online trên nền tảng dữ liệu lớn (big data).
Theo báo cáo của GlobalWebIndex về mức độ tiêu dùng sản phẩm truyền thông, năm 2019, thời lượng trung bình mỗi ngày mà người Việt Nam dành cho báo chí truyền thống là 2 giờ 34 phút, cho các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số là 7 giờ 12 phút (mức trung bình của thế giới tương ứng là 3 giờ 33 phút và 6 giờ 45 phút); tỷ lệ thời gian người Việt dành cho các nền tảng digital trong tổng thời gian dành cho truyền thông mỗi ngày chiếm 74%, cao nhất trong số 41 quốc gia được khảo sát. Cụ thể, theo thống kê năm 2018, người Việt mỗi ngày dành 1 giờ 20 phút cho truyền hình, 30 phút cho phát thanh, 43 phút cho báo in và hơn 1 giờ cho máy chơi game. Người Việt khá “nghiện” điện thoại khi dành tới 3 giờ 15 phút cho smartphone trong khi dành 3 giờ 43 phút cho máy tính để bàn, máy tính bảng. Một người trưởng thành chỉ có 43 phút đọc báo in mỗi ngày nhưng dành tới 1 giờ 12 phút để đọc tin online. Ngoài ra, khi lên mạng, họ dành 1 giờ 7 phút để nghe nhạc, 2 giờ 33 phút cho mạng xã hội (MXH) và 1 giờ 11 phút xem truyền hình streaming. So với năm 2014, thời lượng người Việt dành cho MXH đã tăng gần 30 phút mỗi ngày. Trong khi đó, theo khảo sát công chúng vào tháng 8-2019 của Tạp chí Truyền hình Việt Nam, có đến hơn 48% công chúng đọc báo, xem truyền hình qua MXH; trong khi xem truyền hình qua màn hình tivi chỉ hơn 20%, đọc báo và nghe phát thanh chỉ trên dưới 15%. Ở góc nhìn khác, Việt Nam có trên 70% cư dân tham gia MXH - thuộc top đầu các quốc gia trên hành tinh nhưng lại thuộc top 5 nước có văn hóa tham gia MXH thấp nhất.
Thực tế cho thấy, một số ấn phẩm báo chí đã và đang thực thi giám sát, phản biện xã hội tốt, phản ánh nhu cầu và nguyện vọng đông đảo công chúng xã hội, góp phần tạo dựng niềm tin xã hội. Nhưng cũng không ít cơ quan báo chí trước nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc lại ít hoặc chậm lên tiếng, hoặc “phụng sự” lợi ích nhóm mà bỏ qua nguyện vọng đông đảo nhân dân, hoặc chủ yếu được phản biện trên MXH, sau đó báo chí mới có thể vào cuộc.
Những vấn đề nêu trên phản ánh tập trung vào mô hình tổ chức tòa soạn - trái tim của cơ quan báo chí. Tổ chức tòa soạn hội tụ tuân thủ các nguyên tắc như: Không đề tài nào cung cấp giới hạn chỉ ở một nền tảng mà là trên tất cả thiết bị (báo chí đa nền tảng). Tất cả ý tưởng đề tài sẽ được chia sẻ tại bàn siêu biên tập, kết nối giữa các phòng thời sự, phòng chuyên đề và phát triển thông qua bàn làm việc trung tâm. Các chương trình độc lập và các bản tin có thể có những thông tin độc nhưng tài liệu của họ cần phải được chia sẻ trên tất cả phiên bản/sản phẩm đầu ra để quảng bá chéo tối đa nhằm giúp công chúng thấy được những tài liệu bạn đang sản xuất. Sẽ có một đơn vị trung tâm, chia sẻ và lập kế hoạch chạy trước chương trình. Tất cả yếu tố tương tác của các tác phẩm phải là các sản phẩm phụ của một hoạt động tin tức hội tụ; không đứng riêng rẽ và là các chủ thể tự quản lý. Trang web tin tức và tất cả sản phẩm số phải thể hiện được những lựa chọn chuyên môn chính có các nhóm chuyên môn phụ trách các lĩnh vực đầu ra của bàn siêu biên tập đưa ra. Trang web tin tức và tất cả sản phẩm số phải tạo điều kiện cho công chúng ghé thăm một trải nghiệm tương tác bổ sung giá trị bằng việc cung cấp thông tin nền được thiết kế để giúp thúc đẩy hiểu biết về tất cả đề tài được phát sóng trên phát thanh, truyền hình, báo điện tử hay báo giấy. Công chúng xã hội được khuyến khích tham gia đầy đủ và có thể tham gia vào quy trình thu thập, sản xuất và truyền tải tin tức thông qua các công cụ truyền thông cá nhân tương tác; kết nối xã hội trên nhiều nội dung và đa nền tảng.
Với nguyên tắc tổ chức tòa soạn hội tụ như vậy, sẽ khắc phục được những khiếm khuyết, hạn chế của tòa soạn truyền thống và mở ra những khả năng biến các tòa soạn báo chí thành trung tâm kết nối xã hội, mỗi nhà báo là một nhà kết nối xã hội. Như vậy, tòa soạn báo chí sẽ thu hút được công chúng chủ động, lan tỏa và chiếm lĩnh được truyền thông xã hội, MXH; từ đó chiếm lĩnh thị phần thông tin, thuyết phục công chúng xã hội và lôi kéo họ vào tầm ảnh hưởng của báo chí; nhờ đó, báo chí mới có khả năng cung cấp, lan tỏa thông tin chính thức và chính thống; đồng thời báo chí sẽ làm tốt công tác tư tưởng, tham gia vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.
Thiết lập tòa soạn hội tụ có khó khăn, tốn kém?
Từ thực tế tham gia cùng gần 20 tòa soạn báo chí chuyển đổi mô hình theo hướng tổ chức tòa soạn hội tụ, tôi thấy rằng: Tổ chức tòa soạn hội tụ không khó, chỉ cần nỗ lực thay đổi nhận thức của tập thể những người làm báo trong tòa soạn, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí - truyền thông. Tổ chức tòa soạn hội tụ không tốn kém nhiều tiền, chủ yếu trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, kết nối lại, nhưng lại cần sự nỗ lực thống nhất quyết tâm để đổi mới tổ chức sản xuất tin tức và quyết tâm này trở thành chương trình, đề án được cơ quan chủ quản quan tâm. Tổ chức tòa soạn hội tụ cần có sự nhận thức mới của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong tòa soạn; đồng thời cần một chương trình tập huấn ngắn hạn giúp anh chị em cập nhật kiến thức và kỹ năng làm nghề trong môi trường truyền thông số và trong hệ sinh thái truyền thông online, để từng bước sản xuất các sản phẩm báo chí số truyền dẫn trên đa nền tảng trong hệ sinh thái mới của truyền thông.
Tòa soạn hội tụ là một quá trình, theo các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, cũng không hẳn tòa soạn hội tụ toàn phần ngay. Cái khó của tổ chức tòa soạn hội tụ là setup lại các vị trí công việc, bố trí lại nhân lực để tạo một guồng máy vận hành nhanh, đồng bộ, dân chủ và hiệu quả. Quá trình này bắt đầu từ thiết kế dự án, hội thảo đánh giá, hoàn thiện, đến chủ trương, đào tạo tập huấn nhân lực, bổ sung thiết bị…
Nguyễn Văn Dững
Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065