Trên cơ sở Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW, ngày 28-2-2012 của Ban Dân vận Trung ương và từ kết quả khảo sát ở cơ sở, ngay từ đầu năm 2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 96-KH/TU, ngày 4-1-2013 của Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập thí điểm tổ dân vận khu phố, thôn, ấp. Đây là mô hình hoàn toàn mới, có nhiều ưu thế vì tập hợp được lực lượng nòng cốt ở cơ sở tham gia, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận động quần chúng ở những địa bàn thí điểm.
Một buổi họp khu dân cư ở ấp Bù Nung, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập)
Nhiệm vụ chủ yếu của tổ dân vận khu phố, thôn, ấp là phối hợp thống nhất các lực lượng. Dưới sự lãnh đạo của ban chi ủy, chi bộ vận động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở; chủ động nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Sau khi có quyết định thành lập, tổ dân vận đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên, xây dựng kế hoạch hoạt động; định kỳ hàng tháng họp đánh giá kết quả hoạt động và báo cáo khối dân vận xã, phường, thị trấn.
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Qua một năm hoạt động, tổ dân vận khu phố thôn, ấp đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với công tác dân vận ở cơ sở. Thực tế cho thấy, thành lập tổ dân vận khu phố, thôn, ấp là bước hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức của hệ thống dân vận từ Trung ương đến cơ sở, giúp khối dân vận xã, phường, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình quần chúng nhân dân, triển khai công tác dân vận ở các thôn, ấp, khu phố hiệu quả hơn. Ở những nơi thành lập tổ dân vận, công tác dân vận đi vào nề nếp, chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Hoạt động của chi bộ, ban công tác mặt trận và các hội, đoàn thể ở cơ sở không còn đơn lẻ hoặc chồng chéo như trước. Từ hiệu quả hoạt động của tổ dân vận, nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, giúp nhau giảm nghèo... Hoạt động của tổ dân vận đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
NHỮNG MÔ HÌNH HAY
Qua kết quả khảo sát của Ban Dân vận tỉnh ủy, trong 20 tổ dân vận được chỉ đạo thành lập thí điểm, hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiêu biểu là tổ dân vận khu phố 5, phường Long Phước (TX. Phước Long) đã phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành tốt chủ trương giải tỏa đất khu vực sân bay Phước Bình; tổ dân vận thôn Nhơn Hòa I, xã Long Giang (TX. Phước Long) vận động nhân dân giúp nhau giảm nghèo (năm 2013 giảm được 9 hộ nghèo, hiện chỉ còn 1 hộ nghèo/189 hộ); tổ dân vận ấp 4, xã Hưng Phước (Bù Đốp) đẩy mạnh tuyên truyền vận động đối với các điểm nhóm tôn giáo thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức ký kết với đội cơ sở đồn Biên phòng 789 tham gia thực hiện mô hình điểm sáng biên giới phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; tổ dân vận khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, bảo đảm khu phố xanh - sạch - đẹp; tổ dân vận ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) xây dựng, thực hiện hiệu quả mô hình điểm sáng chấp hành pháp luật trong khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
KHÓ NHẤT LÀ KINH PHÍ!
Bà Lê Thị Xuân Trang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận tỉnh ủy khẳng định: Là mô hình mới, có nhiều ưu điểm, nhưng mô hình tổ dân vận khu phố, thôn, ấp vẫn còn rất nhiều cái khó mà khó nhất là kinh phí. Hiện chỉ có huyện Đồng Phú đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân vận với mức 7 triệu đồng/tổ/năm. Các huyện, thị còn lại chưa thực hiện được việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân vận khu phố, thôn, ấp. Các thành viên tổ dân vận hoạt động kiêm nhiệm, không có phụ cấp theo chức danh tổ dân vận mà chỉ hưởng phụ cấp theo chức danh công tác chính của mình. Bà Trang cũng cho rằng, ngoài khó khăn này, một số cấp ủy, thành viên chưa nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tổ dân vận, chưa phân biệt được vai trò của tổ dân vận với chức năng, nhiệm vụ của Ban công tác Mặt trận và cho rằng có sự chồng chéo trong công việc giữa tổ dân vận và Ban công tác Mặt trận thôn, ấp, khu phố. Việc xây dựng quy chế hoạt động của tổ dân vận nhiều nơi còn chưa cụ thể, phân công nhiệm vụ các thành viên chưa rõ ràng.
Ngoài 20 tổ được Ban Dân vận tỉnh ủy thành lập thí điểm, ở cấp huyện, thị cũng thành lập các tổ dân vận khu phố, thôn, ấp theo kế hoạch riêng. Huyện Lộc Ninh thành lập được 33 tổ, thị xã Đồng Xoài thành lập 52 tổ, huyện Bù Đăng thành lập 129 tổ... Mỗi tổ có từ 9 đến 18 thành viên. Hầu hết các tổ dân vận đều cơ cấu đồng chí bí thư chi bộ thôn, ấp, khu phố làm tổ trưởng; trưởng thôn, ấp, khu phố và trưởng ban công tác mặt trận làm tổ phó; các đồng chí bí thư đoàn thanh niên, chi hội trưởng các đoàn thể và một số cá nhân tiêu biểu, có uy tín là thành viên.
|
Tại hội nghị sơ kết một năm mô hình tổ dân vận khu phố, thôn, ấp tổ chức ngày 3-1-2014, đã có nhiều ý kiến về mô hình mới này. Ngoài cái khó về kinh phí, hầu hết các ý kiến đều rất đồng tình việc triển khai rộng mô hình tổ dân vận khu phố, thôn, ấp. Những cái khó về nhân sự, về sự phối hợp chưa tốt giữa các thành viên trong tổ cũng là điều dễ hiểu đối với một mô hình hoàn toàn mới. Điều ai cũng khẳng định là thông qua tổ dân vận khu phố, thôn, ấp đã tập hợp được lực lượng nòng cốt ở cơ sở tham gia, theo đó hoạt động của chi bộ, ban công tác mặt trận và các hội, đoàn thể ở cơ sở không còn đơn lẻ hoặc chồng chéo như trước.
Theo chương trình kế hoạch của Tỉnh ủy, mô hình tổ dân vận khu phố, thôn, ấp sẽ được triển khai trên diện rộng trong năm 2014. Thời điểm này, Ban Dân vận tỉnh ủy đang hoàn chỉnh văn bản tham mưu Thường trực tỉnh ủy. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn cơ sở sử dụng nguồn ngân sách của cấp mình một cách hợp lý cho hoạt động của tổ dân vận. Việc triển khai rộng khắp mô hình này sẽ góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân vận ở cơ sở. Mô hình này sẽ giúp khối dân vận xã, phường, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, công tác dân vận ở cơ sở, mà trọng tâm là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, để củng cố và tăng cường quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065