BP - Cách đây 70 năm, phong trào tình nguyện của quân và dân các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào miền Nam chiến đấu sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) kéo dài đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19-12-1946). Phong trào Nam tiến khẳng định Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lãnh đạo, chỉ đạo cả nước quyết tâm chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến, trong đó nổi bật là việc tổ chức kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng Nam tiến đánh giặc trên các mặt trận: Sài Gòn, Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Với tầm nhìn chiến lược, sớm dự đoán được âm mưu của thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc kháng chiến dự kiến là lâu dài, trong đó tập trung xây dựng LLVT. Vừa giành được độc lập một tuần, ta đã thành lập Chi đội 3 Giải phóng quân ở Hà Nội, sau đó chuyển vào Thanh Hóa huấn luyện quân sự, chính trị, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, Chi đội Vi Dân (thành lập ngày 19-8-1945) được điều động từ Hà Nội ra huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ) huấn luyện quân sự, sẵn sàng đối phó với kẻ thù. Đến khi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước chi viện cho Nam Bộ kháng chiến, phong trào tòng quân xung phong Nam tiến diễn ra sôi nổi từ các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn... cho đến tận Quảng Ngãi, Bình Định… Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều lập Phòng Nam Bộ, ghi tên những người tình nguyện vào Nam đánh giặc. Hàng chục vạn thanh niên, kể cả phụ nữ, thiếu niên và các cụ phụ lão thuộc đủ mọi tầng lớp nhân dân đã tình nguyện gia nhập các chi đội Nam tiến. Trong thời gian ngắn, mỗi tỉnh đã tổ chức được từ 1-2 chi đội sẵn sàng cơ động vào Nam.
Vệ quốc đoàn Nam tiến ngày 26-9-1945. Ảnh tư liệu. |
Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo sử dụng lực lượng phù hợp với khả năng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và trình độ chiến đấu của bộ đội. Những chi đội được chọn Nam tiến là đơn vị vũ trang tập trung trang bị mạnh, tương đương trung đoàn, hoặc tiểu đoàn, phần lớn là những cán bộ, chiến sĩ đã qua huấn luyện quân sự, dũng cảm trong chiến đấu...
Thực hiện chủ trương phối hợp với LLVT và nhân dân Sài Gòn cùng các tỉnh Nam Bộ kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định điều động các đơn vị vũ trang tập trung ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ lần lượt vào miền Nam chiến đấu. Ngay sau khi quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, ngày 26-9-1945, Chi đội 3 là đơn vị được lệnh hành quân từ Thanh Hóa, chi viện sớm nhất cho miền Nam, tới ngày 7-10-1945 vào đến Thủ Đức, cửa ngõ Sài Gòn.
Cùng thời gian này, một số phân đội Nam tiến cũng vào đến các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là các học viên khóa 4 và 5 của Trường Quân chính Việt Nam được gấp rút điều động vào Nam Bộ để mở các lớp huấn luyện quân sự tại chỗ, kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ chính trị-quân sự chỉ huy các đơn vị vũ trang Sài Gòn và Nam Bộ chiến đấu. Khi quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược từ Nam Bộ ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các chi đội: Vi Dân, Bắc Bắc, Thu Sơn, Độc lập 1, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… lần lượt hành quân từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào các mặt trận.
Sự có mặt của các chi đội Nam tiến đã kịp thời phối hợp với LLVT và nhân dân Sài Gòn, các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chiến đấu tiêu hao, ngăn chặn địch trong những năm đầu kháng chiến. Chi đội 3 cùng với LLVT Sài Gòn chiến đấu anh dũng, lập chiến công oanh liệt ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc. Sau đó, Chi đội 3 chuyển ra phối hợp với các chi đội: Vi Dân, Thu Sơn, Bắc Bắc… chiến đấu quyết liệt ở các mặt trận: Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Buôn Ma Thuột… Vận dụng linh hoạt cách đánh tập kích, phục kích, phòng ngự trận địa, ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại.
Trong tình thế địch mạnh hơn về quân số, vũ khí trang bị và trình độ tác chiến, ta khó tập trung đánh tiêu diệt lớn quân địch, thì việc tổ chức và huy động các lực lượng Nam tiến sôi nổi, rộng khắp từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào Nam và một số đơn vị vũ trang Việt kiều từ nước ngoài về phối hợp với lực lượng tại chỗ tiêu hao, ngăn chặn bước tiến của địch ở Sài Gòn, các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là thành công lớn của Đảng trong những năm đầu kháng chiến. Đây là tinh thần thể hiện ý chí quật cường của toàn thể dân tộc trước họa xâm lăng. Việc tổ chức kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng Nam tiến kháng chiến trong những năm 1945-1946 còn có ý nghĩa rộng lớn, tạo thuận lợi cho quân và dân cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến lâu dài trên phạm vi toàn quốc.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065