ĐIỂM NÓNG TRƯỚC ĐÂY
Long Hà hiện có 427 hộ ĐBDTTS (khoảng 14% dân số), tập trung ở các thôn Phu Mang 1, Phu Mang 2, Phu Mang 3, Bù Ka 1 và Bù Ka 2. Hầu hết số hộ đồng bào có đất sản xuất đều phát triển kinh tế dựa vào cây điều. Từ năm 2008, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất và bán điều bông đã diễn ra ở đây. Nhưng “nóng” nhất là các năm 2009 và 2010. Theo thống kê, toàn xã có 53 hộ đồng bào cầm cố, sang nhượng đất và bán điều bông với tổng diện tích gần 60 ha, trong đó 9 hộ sang nhượng đất trái phép.
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn đồng bào DTTS cách tỉa cành tạo tán cây điều
Ông Hà Văn Trung, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã cho rằng: Trình độ dân trí thấp, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên đời sống của phần lớn đồng bào rất khó khăn. Không ít trường hợp lười lao động, đua đòi nên bán đất, điều bông mua xe máy để chơi bời, ăn nhậu. Hết tiền, họ thành người làm thuê trên chính mảnh đất của gia đình. Tình trạng này còn làm mất ổn định an ninh trật tự bởi một số đối tượng do “túng làm liều” rủ nhau đi “mót” điều mà thực ra là trộm cắp điều. Mặt khác, những người mua điều bông hoặc sang nhượng đất lại có rất nhiều mánh khóe để trục lợi. Họ thường lợi dụng sự cả tin của đồng bào để dụ dỗ cầm cố, sang nhượng đất hoặc bán điều bông.
NHỮNG GIẢI PHÁP KỊP THỜI
Nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất ổn định đời sống và ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất, bán điều bông, không chỉ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, xã còn mời già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ những tác hại của bán điều non; tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn ưu đãi của ngân hàng; tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc, cải tạo vườn điều... Lãnh đạo xã, thôn đến từng nhà thuyết phục, phân tích để người dân hiểu không nên vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Trong đó nhấn mạnh, người mua điều bông thường dùng các loại thuốc kích thích nhằm vắt kiệt sức của cây để thu lợi. Đến khi trả, vườn điều sẽ kém phát triển và cho năng suất thấp. “Theo quy định của Nhà nước, đất của ĐBDTTS đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được phép sang nhượng cho người Kinh nên phần lớn diện tích đã bán trái phép được thu hồi lại” - ông Hà Văn Trung chia sẻ.
Người mua điều bông thường phun thuốc kích thích nhằm vắt kiệt sức của cây để thu lợi
Bí thư chi bộ thôn Phu Mang 2 Nguyễn Tấn Phúc nói: Thôn có 83 hộ, trong đó khoảng 40 hộ có vườn điều với diện tích 68 ha. Trước đây, thôn có 12 hộ sang nhượng đất và bán điều bông với thời gian 1-4 năm. Được phân tích đúng sai, người dân không còn bán điều bông nữa mà chủ động chăm sóc để ổn định cuộc sống.
Thôn Bù Ka 2 có 149 hộ với 874 người, trong đó 24 hộ nghèo. Thôn có 236 ha đất sản xuất thì có tới 176 ha điều. Ông Điểu Kem, Trưởng thôn và là người có uy tín trong đồng bào chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền, vận động tôi còn cho những hộ khó khăn vay tiền không lãi để đầu tư vào sản xuất. Hiện trong thôn không có hộ nào sang nhượng đất, chỉ còn vài hộ lén lút bán điều bông. Tôi cùng ban điều hành thôn đang theo dõi tình hình để ngăn chặn. Hy vọng mùa điều này sẽ bội thu, nhiều hộ trong thôn sẽ thoát nghèo”.
LỢI ÍCH TỪ NHỮNG BƯỚC ĐI ĐÚNG HƯỚNG
“Gia đình có 4 ha điều. Chiều ý các con, tôi đã vay tiền để mua xe máy nên không còn tiền mua phân bón. Tôi phải bán điều bông 2 năm để trả nợ và phải làm thuê kiếm sống. Nghe cán bộ tuyên truyền, vận động, gia đình thấy rõ tác hại của việc bán điều bông nên không bán nữa, lại được chính quyền tạo điều kiện vay vốn đầu tư chăm sóc nên mấy năm nay, vườn điều của gia đình cho năng suất ổn định. Từ tiền bán điều và bà con hỗ trợ, tôi đã xây được căn nhà khang trang trị giá 200 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ chăm sóc nhiều hơn nữa để vườn điều cho năng suất cao” - bà Thị Liêm ở thôn Phu Mang 3 bộc bạch.
Bà Thị Liên ở thôn Phu Mang 2 có gần 2 ha điều. Trong lúc gia đình đang gặp khó khăn, lại bị một số đối tượng xấu dụ dỗ bà đã bán 5 sào đất và điều bông một năm lấy tiền chi tiêu. Nghe cán bộ giải thích, hiểu được tác hại về việc làm của mình, bà không cho thuê nữa mà đầu tư chăm sóc. Mấy năm qua, hơn 1 ha điều đều cho thu gần 4 tấn hạt/năm, giúp gia đình ổn định đời sống. Hay ông Điểu Lơi ở thôn Phu Mang 2 là hộ cận nghèo có 8 sào đất trồng điều. Cũng vì nghe lời kẻ xấu xúi giục, ông đã bán điều bông 4 năm. Vụ này, gia đình ông lấy lại vườn điều lại được tạo điều kiện vay vốn nên ông đang đầu tư chăm sóc với mong muốn vươn lên thoát nghèo.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065