BP - Giá hồ tiêu tăng cao nhiều năm liền. Viễn cảnh về một cuộc sống khá giả khiến không ít nông dân chặt các loại cây công nghiệp khác để trồng tiêu. Không những mất nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình, họ còn chạy đôn chạy đáo vay vốn ngân hàng, mượn người thân để đánh cược với loại cây trồng khó tính như hồ tiêu. Về xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) hôm nay, không khó để thấy cảnh người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu, tận dụng diện tích nhỏ nhất để trồng và không ít gia đình điêu đứng vì hồ tiêu bị bệnh dẫn đến chết.
“VÀNG ĐEN” SOÁN NGÔI CAO SU
Nhiều năm nay, vùng đất đỏ bazan màu mỡ Đắk Ơ đã được người dân trồng các loại cây công nghiệp phù hợp và cho năng suất cao như điều, cao su, cà phê. Theo thống kê của UBND xã Đắk Ơ, toàn xã có 6.178 ha cây lâu năm. Diện tích cây hằng năm chỉ còn 218,3 ha (trong đó mì 202 ha, bắp 5 ha, rau đậu các loại 13,3 ha) chủ yếu trồng xen trong vườn cây lâu năm chưa khép tán. Năm 2015, nông dân đã cưa 94 ha điều, 21 ha cao su và 5 ha cà phê để trồng mới 120 ha hồ tiêu, nâng diện tích hồ tiêu lên 791 ha. Hiện giá cao su xuống thấp đúng vào thời điểm cận kề mùa khô, cao su chuẩn bị thay lá, ít mủ, nông dân nhiều nơi tiếp tục chặt bỏ, chuẩn bị mùa trồng tiêu mới 2016. Hồ tiêu được mùa, được giá liên tục nhiều năm, nông dân xem như “vàng đen” soán ngôi “vàng trắng” cao su một thời.
Hai bên đường vào thôn 3, xã Đắk Ơ phủ kín hồ tiêu
Mùa mưa năm 2015, anh Phan Văn Hậu, thôn 10, xã Đắk Ơ mượn tiền trồng mới 1 ha hồ tiêu. Anh Hậu đã cưa vườn cao su 6 năm tuổi chuẩn bị mở miệng cạo để lấy đất trồng tiêu. Trước đây, do đầu tư cây cao su đúng vào giai đoạn hoàng kim nên anh Hậu phải bỏ ra chi phí lớn, nay hồ tiêu cũng gặp cảnh tương tự. Đây là tình trạng chung của đa số nông dân ở các xã vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh.
Trên đoạn đường từ trung tâm xã Đắk Ơ đến thôn 3, có khá nhiều vườn cao su vừa bị đốn hạ, gỗ đã được chở đi một phần, cành to vẫn chất đống cạnh những mương thoát nước. Anh Hà Văn Quyết (thôn 3, xã Đắk Ơ), một trong những chủ vườn vừa hạ cao su chuẩn bị trồng mới tiêu vào mùa mưa 2016 cho biết: Cầm cự mãi giá cao su không tăng, chủ vườn và người cạo mủ thuê cùng chia đôi tiền thu hoạch mủ, phần tiền còn lại chỉ đủ bón phân, xịt thuốc cho cây. Tôi thanh lý 1 ha cao su trồng từ năm 1998 để trồng thêm tiêu. Hiện tôi đã có 2.800 nọc tiêu, trong đó 2.000 nọc trồng cách đây 3 năm chưa cho thu hoạch.
Vườn cao su của gia đình anh Quyết vừa đốn hạ để chuẩn bị trồng tiêu
Vườn nhà anh Hà Văn Nũng (thôn 3, xã Đắk Ơ) dù đã trồng điều xen cà phê rợp bóng râm vẫn xen thêm nọc tiêu dày đặc. Sát mương thoát nước cạnh đường vào thôn, gia đình anh Nũng trồng một hàng hồ tiêu theo ranh đất thay cho hàng rào. Gia đình anh Trần Văn Chuyên (thôn 3, xã Đắk Ơ) có 1.500 nọc tiêu 10 năm tuổi. Mùa mưa 2015, anh Chuyên tận dụng các khoảng trống trồng thêm 300 nọc tiêu mới. Nông dân trồng mới ồ ạt, bón thúc vườn tiêu chạy theo phong trào mà không để ý khuyến cáo của ngành nông nghiệp, khiến nấm bệnh trên cây tiêu có cơ hội hoành hành và lây lan ngày càng nhiều.
NGẮC NGOẢI THEO “VÀNG ĐEN”
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ Nguyễn Thị Nga cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào tiêu, trung bình mỗi năm thu hơn 2 tấn tiêu khô, tiền thu được cao hơn hẳn các loại cây công nghiệp khác. Tuy nhiên, chi phí chăm sóc ngày càng tăng do mấy năm trở lại đây cây tiêu thường xuyên bị nấm bệnh. Trước đây, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, nhiều nhất 1 năm bị bệnh chỉ làm chết 4 hoặc 5 nọc tiêu. Nay mỗi năm chết từ 40-50 nọc tiêu dù đã xịt thuốc phòng ngừa. Hiện nay, không vườn tiêu nào trên địa bàn xã là không bị bệnh thán thư, chết nhanh, chết chậm...”.
Chị Nga hướng dẫn nông dân cách xử lý, chăm sóc tiêu khi bị bệnh chết chậm
Với kinh nghiệm trồng tiêu hơn 10 năm nhưng 1.800 nọc tiêu của hộ anh Chuyên vẫn không tránh được bệnh. Nhiều nọc tiêu bị vàng lá, chuỗi hạt teo tóp, một số nọc đã chết hẳn, được trồng dặm thêm. 300 nọc tiêu mới trồng năm đầu được gia đình anh Chuyên xử lý đất đúng kỹ thuật nhưng vẫn bị bệnh chết chậm. Đang trong giai đoạn sinh trưởng, cây vàng lá nếu cứu được sau này năng suất cũng rất kém. Hộ anh Quyết cũng lâm vào cảnh tương tự, nghe quảng cáo loại thuốc nào hiệu quả, anh Quyết đều áp dụng vào vườn tiêu 2.800 nọc của gia đình. Chi phí đầu tư cao, dù chưa được thu hoạch nhưng trung bình mỗi năm khoảng 30% nọc tiêu của hộ anh Quyết bị bệnh chết chậm do tuyến trùng.
Chạy theo “cơn sốt” hồ tiêu, nhiều gia đình vay mượn trồng mới, rồi tiếp tục vay mượn để chữa bệnh cho tiêu nhưng vẫn không cứu được vườn. Chị Nga kể lại: Trong năm 2015, vừa nghe gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Đắk U, xã Đắk Ơ) báo tiêu bị bệnh, Hội nông dân xã phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện đến tận vườn kiểm tra nhưng vẫn không kịp cứu 1.500 nọc tiêu nhiễm bệnh chết nhanh. Nông dân Nguyễn Văn Dũng (thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ) cũng bị chết 500 nọc tiêu do bệnh chết nhanh vào năm 2014.
Gương mặt già sọp trước tuổi, đôi mắt thất thần, anh Nguyễn Văn Tưởng (thôn Đắk U) chậm rãi kể: “Năm 2007, tôi bán nhà ở khu chợ Đắk Ơ, mua 3,6 ha đất trồng tiêu bằng nọc sống gồm xà cừ, gòn, lồng mức, keo. Năm 2012, khi nhà bà Bùi Thị Hào ở giáp ranh đất nhà tôi bị chết 3 sào tiêu. Tôi giật mình vì tiêu được chăm sóc rất kỹ nhưng vẫn chết 100 nọc. Nghi ngờ do úng nước, năm 2014, tôi thuê xe múc mương theo hình bàn cờ cho nước thoát xuống suối. Cuối năm 2014, vườn tiêu 3.000 nọc đang xanh bị héo trái, rũ lá, 3 ngày sau vàng lá rồi chết khiến tôi trở tay không kịp. Mùa tiêu năm 2013 thu 5 tấn khô, bán được 750 triệu đồng cộng thêm 200 triệu đồng thu năm 2014 đều dành hết vào cứu vườn tiêu. Nay, gia đình nợ nần chồng chất nhưng cả vườn chỉ sót lại 30 nọc tiêu đang mắc bệnh chết chậm”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Gia Mập Lê Trung Trực cho biết: Trước tình trạng người dân trồng tiêu thành phong trào trong những năm gần đây, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu theo hướng sinh học và VietGap tạo thương hiệu hồ tiêu. Cây tiêu chỉ thích hợp với vùng đất bazan có độ thoát nước tốt, còn những vùng đất khác cho dù đầu tư thâm canh tốt nhưng năng suất vẫn không cao. Nếu không lựa chọn kỹ nguồn gốc của các loại trụ, giống tiêu thì nguy cơ xuất hiện bệnh hại tiêu là điều không thể tránh khỏi.
Ăn ngủ không yên bên những vườn tiêu bị bệnh, liệu khi cứu được vườn, ai dám chắc đến ngày thu hoạch hồ tiêu vẫn giữ được giá như hiện nay? Diện tích hồ tiêu tăng vọt trên cả nước, nguồn cung vượt cầu sẽ là điều tất yếu trong nay mai. Bài toán tăng ồ ạt diện tích “vàng đen” liệu có đi theo vết xe đổ của “vàng trắng” cao su?
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065