Hòa giải là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải mang đậm tính nhân văn, trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở cần phải có đội ngũ hòa giải viên đáp ứng các tiêu chuẩn, có uy tín, đạo đức, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; có sự hiểu biết pháp luật, khả năng vận động, thuyết phục và tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, những năm qua, các vụ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng, tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giảm được nhiều vụ việc. Việc hòa giải thành sẽ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở các phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc. Kinh nghiệm cho thấy, những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân và ngược lại.
Bình Phước là một trong những địa phương tổ chức khá tốt mạng lưới hòa giải viên cơ sở. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở các thôn, ấp, tổ dân phố hiệu quả đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 tổ hòa giải, với gần 7.000 hòa giải viên ở các thôn, ấp, khu phố. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải là những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: già làng, trưởng ấp, bí thư chi bộ và các hội đoàn thể... Mặc dù mức chi kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở rất thấp (200 ngàn đồng/vụ hòa giải thành) nhưng bình quân mỗi năm các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện được hàng ngàn vụ hòa giải thành.
Hòa giải cơ sở vốn bị coi là công việc “vác tù và hàng tổng”, được thực hiện trên cơ sở vì cộng đồng, không mang tính pháp lý bắt buộc và không có lợi ích vật chất đi kèm. Nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của hòa giải cơ sở trong việc giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật, tranh chấp không lớn trong cộng đồng. Việc Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” và Luật Hòa giải cơ sở hiện hành cho thấy, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác hòa giải trong các khu dân cư hiện nay.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065