BP - Trong số các thành tựu to lớn mà triều đại nhà Lê để lại cho hậu thế phải kể đến “Quốc triều hình luật”. Bộ luật quan trọng này được vua Lê Thánh Tông ban hành vào năm 1483. Và mỗi khi nhắc đến “Quốc triều hình luật”, không chỉ người đương thời mà cả hậu thế ngày nay cũng đều phải thừa nhận đây là bộ luật có kỹ thuật lập pháp cao, nội dung phong phú, toàn diện với nhiều giá trị nổi bật và sâu sắc hơn so với các quốc gia lân cận thời bấy giờ. “Quốc triều hình luật” còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngày nay, nhất là tính nhân đạo trong pháp luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này, xin cùng bạn đọc tìm hiểu về tính nhân đạo trong “Quốc triều hình luật”.
Cách đây hơn 500 năm, tổ tiên chúng ta đã có quy định về việc thay phạt tù bằng phạt tiền. Và quy định này chỉ áp dụng đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người phế tật (tức những kẻ si, câm, cơ thể què quặt, gẫy tay, chân) và phạm tội lưu, đồ trở xuống. Cụ thể, Điều 16 trong “Quốc triều hình luật” có quy định như sau: Từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những kẻ phế tật (tức những kẻ si, câm, cơ thể què quặt, gãy tay chân) phạm tội lưu, đồ trở xuống được chuộc bằng tiền. Phạm thập ác thì không áp dụng luật này. 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và những kẻ bệnh nặng (là những ác tật như điên cuồng, tay chân bại liệt, mù hai mắt) phạm tội phản nghịch, giết người, đáng lẽ phải xử tử thì trong trường hợp này phải tâu lên để vua quyết định. Những người này phạm tội trộm, đánh người bị thương thì cũng cho chuộc tội, việc này thì không buộc tội, 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dù phạm tử tội cũng không áp dụng hình phạt. Nếu ai xúi giục thì bắt tội kẻ ấy. Nếu ăn trộm có tang vật thì ai chứa chấp tang vật, phải đền trả.
Điều mà hậu thế ít ai ngờ tới là vào thời đó, nhà Lê đã áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội trong xét xử hình sự. Cụ thể Điều 17 quy định như sau: Khi phạm tội chưa già, tàn tật. Khi già, tàn tật mới phát giác tội thì xử tội theo luật già, tàn tật. Nếu già, tàn tật khi ở nơi đồ tội thì cũng xử như thế. Khi còn nhỏ mà phạm tội, khi lớn mới phát giác tội thì xử tội theo luật tuổi nhỏ. Đặc biệt, trong “Quốc triều hình luật” có quy định rất rõ ràng về việc giám ngục không được phép hành hạ người tù. Tại Điều 707 có quy định: Ngục giám vô cớ hành hạ tù nhân đến bị thương thì xử theo luật đánh người bị thương. Nếu xén bớt áo quần, cơm, đồ ăn của tù nhân thì căn cứ vào việc bớt xén đó kết tội ăn trộm; hoặc bởi đánh đập, bớt cơm mà tù nhân chết thì bị xử đồ hay lưu. Ngục quan và giám ngục quan biết sự việc không tố giác thì cũng bị tội trên, nhưng được giảm một bậc.
Tuy là “Quốc triều hình luật” nhưng trong bộ luật này lại có những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của quan lại địa phương đối với cuộc sống của người dân. Và nếu viên quan sở tại nào để cho dân đói khổ thì đều bị khép vào tội hình để xét xử, nặng thì bị cách chức. Theo đó, Điều 294 có quy định như sau: Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may kẻ ấy chết thì trình quan trên, liệu bề chôn cất, không được để hài cốt phơi bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị biếm (giáng chức) hay bị bãi chức... Và đối với những người: Góa vợ, góa chồng cô độc và người tàn phế nặng, nghèo khổ không người thân nương tựa, không khả năng tự kiếm sống thì quan sở tại phải nuôi dưỡng họ, nếu bỏ rơi họ thì bị đánh 50 roi biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà thuộc lại ăn bớt thì xử theo luật người giữ kho ăn trộm của công (Điều 295).
Đối với triều đại nhà hậu Lê, người phạm tội hiếp dâm bị xử rất nặng. Có khi bị xử tội chết nhưng thân nhân người phạm tội vẫn phải nộp tiền phạt. Cụ thể, trong Điều 402 có ghi: Kẻ nào hiếp dâm thì xử lưu hay tội chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết. Và điều mà hậu thế không ai có thể ngờ rằng, thời đó nhà Lê đã đưa ra quy định gần giống như ngày nay, tức là phân biệt rõ tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em. Tại Điều 404 quy định: Gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm.
Nếu như trong cuộc sống gia đình, khi giữa vợ chồng xảy ra chuyện cơm không lành, canh không ngọt rồi dẫn đến việc người chồng có hành vi bạo lực đến mức người vợ bị thương thì sẽ bị xử như sau: Chồng đánh vợ bị thương thì xử như tội đánh người thường bị thương nhưng nhẹ hơn ba bậc. Nếu đánh chết thì xử như tội đánh chết người, nhưng nhẹ hơn ba bậc, tiền đền mạng bớt ba phần. Cố ý giết vợ thì giảm một bậc tội; nếu có tội bị chồng đánh, không may bị chết thì xử riêng. Đánh vợ bé bị thương, sứt gãy trở lên thì nhẹ tội hơn đánh vợ hai bậc. Nếu vợ lớn đánh vợ bé bị thương hay chết thì xử như tội chồng đánh vợ. Nếu ngộ sát thì không bị tội.
Trong “Quốc triều hình luật” cũng quy định về việc xét xử đối với phụ nữ khi mang thai phạm tội. Theo đó, Điều 680 có quy định: Đàn bà phạm tội tử hình trở xuống nếu mang thai thì phải đợi sau khi sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Dù đã sinh nhưng chưa hết hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại đều bị tội nhẹ hơn tội trên hai bậc. Nếu đã đủ 100 ngày mà không đem hành hình thì ngục quan và ngục lại bị xử biếm hay phạt. Nếu khi chưa sinh mà khi hành tội đánh roi thì ngục quan bị phạt 20 quan tiền, ngục lại bị đánh 80 trượng. Nếu do đánh roi đưa đến trọng thương hay chết thì xử vào tội “quá thất sát thương” (lỡ tay giết người, làm bị thương người).
Đặc biệt, trong “Quốc triều hình luật”, hành vi hành hạ trẻ em, lột quần áo của trẻ em và người tâm thần hay của người say rượu thì đều bị xử theo tội trộm cắp. Điều này cho thấy cách đây hơn 5 thế kỷ nhưng quyền của trẻ em và những người không đủ năng lực dân sự... đã được nhà nước phong kiến bảo vệ. Cụ thể, tại Điều 435 quy định: Những kẻ thừa cơ khi có trộm, cướp, lụt, cháy mà vơ vét tiền của người ta hay giữa ban ngày mà cướp giựt tiền của người ta và lấy của làm rớt mà còn đánh lại người mất của. Những hạng này đều xử theo tội ăn trộm thường, được giảm một bậc. Trấn lột quần áo, đồ đạc của trẻ em, của kẻ khùng điên, của người say rượu thì xử đồ và phải đền gấp đôi.
Trong bộ “Quốc triều hình luật” có rất nhiều điều quy định về hôn nhân và gia đình, trong đó có những quy định đặc biệt không thể không quan tâm, mà trước hết là quy định về hành vi cưỡng ép kết hôn. Trong xã hội phong kiến thì hôn nhân là do cha mẹ quyết định, tại Điều 320 có quy định như sau: Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, hay kẻ nào khác mà gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị. Trả người đàn bà về nơi nhà chồng cũ. Kẻ cưới (người đàn ông) không bị tội. Hay như quy định tại Điều 338, thì những gia đình quyền thế, giàu có mà ép nhà nghèo phải gả con gái cho mình hoặc con em..., cũng sẽ bị xử tội: Những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì xử phạt, biếm hay đồ.
Người xưa vẫn thường hay nói rằng: Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về trật tự, kỷ cương. Vì vậy, để giữ nghiêm được trật tự trong gia đình, tập thể dù lớn hay nhỏ hoặc là xã hội thì đều phải bắt đầu từ việc giữ gìn kỷ cương hằng ngày, mà cụ thể là từ những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất. Kỷ cương nhỏ nhặt nhất không giữ được thì làm sao giữ nổi kỷ cương phép nước? Và chính vì quan điểm này mà triều đại nhà Lê đã xây dựng được bộ luật vừa cụ thể, chi tiết, nhân văn, hiện đại và giàu tính nhân đạo.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065