Tuy vậy, tình hình biển Đông sau vụ kiện vẫn còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường mà nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc không chấp nhận và phủ quyết các phán quyết của tòa.
PHÁN QUYẾT CỦA TÒA
Ba nội dung chính mà Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế đều đã được phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc và Đài Loan. Thứ nhất là về yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” ở biển Đông mà Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền. Về điểm này, tòa kết luận “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn”. Và “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Vấn đề thứ hai là đề nghị tòa phân loại quy chế pháp lý của 9 cấu trúc ở biển Đông, trong đó có 8 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa (Vành Khăn, Cỏ Mây, Xu Bi, Gaven, Ken Nan, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập) cùng một cấu trúc độc lập là Scarborough và kết luận về phạm vi vùng biển mà các cấu trúc này được hưởng. Về điểm này, tòa cũng kết luận rằng, không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc. Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng trái phép, cũng không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Đối với bãi cạn Scarborough, tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines.
Thứ ba, Philippines đề nghị tòa phán quyết về một số hành vi vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông. Về điểm này, Tòa Trọng tài cũng tuyên bố Trung Quốc đã “gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường các rạn san hô” khi xây dựng các đảo nhân tạo. Đồng thời Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines.(*)
BIỂN ĐÔNG SAU PHÁN QUYẾT CỦA TÒA
Thực tế cho thấy, gần 2 tháng sau phán quyết của Tòa Trọng tài, tình hình biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Vì phán quyết của tòa ngày 12-7-2016 chưa phải là phán quyết về chủ quyền ở biển Đông. Hơn nữa, bên bị cáo là Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết này. Họ ngang nhiên chà đạp lên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, tiếp tục các hành động đơn phương ở biển Đông. Hải quân Trung Quốc tiến hành những cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn, trong đó có cuộc tập trận ở phía bắc biển Đông từ ngày 19 đến 21-7-2016 nhằm triển khai học thuyết quân sự “đánh thắng chiến tranh cục bộ được tin học hóa”. Một số bức ảnh chụp vệ tinh hồi cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng các nhà để máy bay kiên cố tại một số hòn đảo đang tranh chấp ở biển Đông. Đây là những hành động hết sức nguy hiểm, gây lo ngại trong khu vực.
LẬP TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã đưa cuộc tranh chấp biển Đông vào trạng thái mới, với thượng tôn pháp luật trở thành nội dung quan trọng. Trả lời báo chí chiều 14-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu lại các ý chính trong tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài. Theo đó, “Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ các quy định và thủ tục của UNCLOS 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở biển Đông, trong đó có chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước UNCLOS. Việt Nam mong muốn tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở biển Đông, xem xét các bước đi tiếp theo để đảm bảo quyền và lợi ích quốc gia”. Quan điểm chủ trương của Việt Nam là không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Sau phán quyết của tòa, lập trường của Việt Nam không thay đổi. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải hết sức kiềm chế trên thực địa, không làm ảnh hưởng môi trường hòa bình khu vực. Điều thứ hai là các nước phải cùng nhau tìm các biện pháp giải quyết tranh chấp. Vừa qua, một thay đổi tích cực trong vấn đề biển Đông chính là việc Trung Quốc đồng ý cùng ASEAN thúc đẩy ra bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào năm 2017. Tuyên bố này của Trung Quốc đem lại hy vọng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình thảo luận và sớm đưa COC vào áp dụng để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay.
Đức Hồng
(*) Toàn văn thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài đã được Bộ Ngoại giao nước ta dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Ngoại giao) cho biết, trong thời gian tới toàn văn phán quyết của Tòa gần 500 trang sẽ được dịch ra tiếng Việt và phổ biến rộng rãi.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065