BP - Trong số 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam được quy hoạch phát triển đến năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận có 2, đó là Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong) và huyện đảo Phú Quý. Năm 1999, đảo Phú Quý được Ngân hàng Phát triển châu Á đề nghị thành lập hệ thống khu bảo tồn biển của Việt Nam. Trong đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á, khu bảo tồn có 18.980 ha, bao gồm vùng biển 16.680 ha và 2.300 ha vùng đảo nổi. Khu bảo tồn này là một trong những vùng biển đảo đầy tiềm năng, đa dạng sinh học, đồng thời còn mang những nét lịch sử đặc biệt. Biển khơi của Phú Quý là khu vực đánh bắt thủy sản quan trọng nhất ở tỉnh Bình Thuận, cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế như mực, cá chỉ vàng, cá mú, cá mập... Phú Quý còn chứa đựng giá trị tiềm năng rất cao về du lịch nhờ có phong cảnh đẹp.
Một góc Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý - ảnh internet
Địa hình và thủy văn đảo Phú Quý trước đây là miệng núi lửa, điểm cao nhất trên đảo là núi Cấm Đất cao 106m. Hòn đảo được bao quanh bởi đai san hô dày, điểm sâu nhất là 42m. Các vùng nước biển xung quanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nham thạch. Về phía tây bắc, đảo Phú Quý và trong ranh giới khu bảo tổn biển có nhiều dải đá ngầm. Qua điều tra của ngành chức năng đã ghi nhận 70 loài thực vật ở cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng, 15 loài nhuyễn thể và một khu vực san hô rộng lớn thuộc vùng biển của đảo Phú Quý. Ngoài khơi xa về tận cùng phía tây của đảo có dải đá ngầm bằng phẳng rộng tới 600m tạo thành một dải đầm phủ đầy thảm cỏ biển. Ngoài ra, có thông tin là loài bò biển Dugong dugon (loài động vật biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng) đôi khi xuất hiện tại các bãi cỏ biển nhỏ trong khu bảo tồn. Hệ sinh thái biển khu vực này vẫn còn khá tốt vì chưa bị ảnh hưởng xấu do công nghiệp, nông nghiệp và các phương thức khai thác hủy diệt. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức những năm gần đây đang là mối nguy hại lớn nhất đối với các nguồn hải sản, đồng thời các nguồn tài nguyên rừng trên cạn cũng đang bị đe dọa do khai thác quá mức. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Phú Quý rà soát và đề xuất các khu vực không được giao diện tích mặt nước, nơi có tính đa dạng sinh học cao, các bãi rạn san hô, thảm cỏ biển, nơi có bãi giống, bãi đẻ thủy sản cho các tổ chức, cá nhân để triển khai hoạt động du lịch xung quanh vùng biển ven bờ đảo Phú Quý. Đồng thời, huyện phối hợp bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật tại vùng biển ven bờ của đảo Phú Quý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2 Khu bảo tồn biển Hòn Cau và Phú Quý của Bình Thuận có tổng vốn đầu tư quy hoạch khoảng 460 tỷ đồng. Đề án quy hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011-2015, ngân sách nhà nước chi 300 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 160 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án được đóng góp từ ngân sách Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ. |
Phú Quý là vùng biển đảo có vẻ đẹp tiềm ẩn, thu hút khách du lịch. Đến nay, sau những cố gắng của chính quyền và sự đầu tư của người dân, Phú Quý đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, Phú Quý còn có nhiều bãi tắm hoang sơ rất đẹp như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc doi mộ thầy Nại. Bên cạnh đó, với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa cũng như các lễ hội gắn với tâm linh và phong tục tập quán của người miền biển, loại hình du lịch văn hóa đang được nhiều du khách quan tâm. Phú Quý có 34 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia là chùa Linh Quang và Vạn An Thạnh. Bên cạnh đạo Phật, sự tôn kính của người dân nơi đây còn hướng về khu dinh mộ thầy Nại gắn với lễ cúng thầy diễn ra vào mồng 4-4 âm lịch hằng năm với nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân miền biển.
Đức Hồng
(Nguồn: binhthuan.gov.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065