Năm 1959, Sơn La-Tây Bắc mới được giải phóng, còn bộn bề khó khăn, giặc dã, thổ phỉ quấy phá làm lòng dân chưa yên. Do vậy lúc đó, sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và đoàn đại biểu Chính phủ tại Kỳ đài huyện Thuận Châu đã tạo được lòng tin tuyệt đối của đồng bào Tây Bắc với Bác Hồ, với Chính phủ.
Các cụ già ở Chiềng Ly, huyện Thuận Châu vẫn nhớ như in sự kiện Bác Hồ đến thăm đồng bào vào năm 1959, khi hơn 10.000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền náo nức kéo về trung tâm huyện Thuận Châu, chờ đợi giây phút được đón Bác Hồ. Nói chuyện tại cuộc míttinh ở Thuận Châu, Bác ân cần dặn dò đồng bào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải cùng nhau đoàn kết, ra sức thi đua sản xuất tiết kiệm, làm cho đời sống ngày càng no ấm và vui tươi hơn nữa.
Bác nói: “Tôi mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa, để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có, để góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui."
Các cụ cao tuổi ở Thuận Châu còn kể: Nét mặt hiền từ của Bác, giọng nói ấm áp, truyền cảm của Bác thấm sâu vào từng con tim làm cho ai cũng trào dâng một cảm xúc lạ kỳ. Trong lúc nói chuyện, mọi người đang chăm chú hướng lên khán đài, Bác nhìn một lượt rồi bất ngờ hỏi một câu bằng tiếng Thái: ''Pi noọng phăng hụ báu?'' (Anh em nghe tôi nói có hiểu không?). Mọi người ngỡ ngàng, lặng đi giây lát, rồi đồng thanh đáp: ''Hụ dá lọ!'' (Có ạ! Hiểu rồi ạ!). Rồi từ trong đám đông có tiếng hô vang: ''Pú Hô xen pi, Pú Hô xen pi'' (Cụ Hồ sống lâu! Cụ Hồ muôn năm!) Thế là mọi người hô theo, tiếng vang dội vào vách núi, lan truyền như những đợt sóng âm vang cả núi rừng. Nhiều cụ già sung sướng trào nước mắt, vì lần đầu được nghe Bác Hồ nói tiếng của dân tộc mình. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác Hồ ân cần chúc mọi người bằng bốn câu thơ đầy ý nghĩa: ''Người người mạnh khỏe/ Ðoàn kết chặt chẽ/ Hăng hái thi đua/ Thành công vui vẻ.''
Trong kháng chiến chín năm, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, động viên đồng bào. Lá thư đề tháng 6-1949 gửi toàn thể đồng bào, các cơ quan, đoàn thể, các cán bộ liên tỉnh Sơn-Lai (Sơn La-Lai Châu), Bác Hồ đã viết: "Sơn-Lai tuy ở xa Chính phủ, nhưng lòng Chính phủ vẫn gần Sơn-Lai..."
Trên đường về Thủ đô, Bác và phái đoàn Chính phủ còn vào thăm, nói chuyện với nhân dân huyện Yên Châu, Mộc Châu. Ở mỗi nơi Bác đi qua, tin bay đi rất nhanh đến các bản mường, từ vùng thấp đến tận vùng cao biên giới xa xôi. Ðồng bào được tin đã đi đón Bác Hồ. Có người đi suốt đêm, băng rừng vượt suối qua hàng chục cây số, bồng bế cả con nhỏ đi theo. Có người đón Bác còn xách theo giỏ trứng, con gà, củ khoai làm quà, giản dị và chân thành như đón người thân yêu trong gia đình.
Những địa danh nơi Bác Hồ và đoàn đại biểu đến thăm, giờ đây đã trở thành những di tích lịch sử văn hóa, như Kỳ Đài Thuận Châu (nơi Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân các dân tộc Tây Bắc vào ngày 7-5-1959) tại thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; Khu Di tích lịch sử Bác Hồ tại tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, nơi diễn ra buổi nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu sáng 8-5-1959.
Công trình Di tích lịch sử Bác Hồ được xây dựng vào năm 2013 trên diện tích 1.458m2, gồm các hạng mục chính như nhà tưởng niệm, khuôn viên cây xanh. Khu di tích này là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nhằm khắc ghi lời dặn của Bác: “Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hòa bình rồi cũng phải anh dũng. Anh dũng là anh dũng mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc; bây giờ anh dũng sản xuất, xóa nạn mù chữ..."
Tại cao nguyên Mộc Châu, vào năm 2010, huyện Mộc Châu đã xây dựng khu “Di tích nơi Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu” để ghi nhớ sự kiện ngày 8-5-1959 - ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, công nhân Nông trường Mộc Châu. Di tích nằm tại tiểu khu Xưởng sữa, cạnh tiểu khu 19-5 và tiểu khu 77. Công trình gồm các hạng mục sân đỗ xe, đi dạo; sân chuyển tiếp; sân hành lễ gồm hai cấp, phía trong có mái che, đặt tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới chân tượng khắc 16 chữ vàng của Bác ghi trong Sổ truyền thống của thị trấn Nông trường:''Luôn luôn cố gắng/ Khắc phục khó khăn/ Tiến lên thật hăng/ Làm tròn nhiệm vụ."
Ông Ngô Văn Phán, ở Tiểu khu 19-8, thị trấn Nông trường Mộc Châu, khi vào thăm di tích này đã chia sẻ: “Tôi đã từng được gặp Bác năm xưa ngay chính nơi này. Nay đến thăm lại, tôi vẫn thấy Bác như đang ở đâu đây."
Bác đã đi xa nhưng đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đặc biệt là đồng bào Sơn La mãi ghi sâu lời Bác và những tình cảm của Người dành cho đồng bào các dân tộc.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065