Nghị định số 06/2018/NĐ-CP thay thế Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã mở rộng thêm nhiều đối tượng và cụ thể hóa nhiều chính sách đối với giáo viên và trẻ em mầm non. Theo đó, khi đi học mầm non, trẻ em thường trú hoặc có cha, mẹ, người chăm sóc thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo... sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% lương cơ sở/trẻ/tháng. Bên cạnh chế độ hiện hành, giáo viên mầm non trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại nhóm trẻ, lớp ghép từ hai độ tuổi trở lên hoặc dạy tăng cường tiếng Việt tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại điểm lẻ công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ thêm 450 ngàn đồng/tháng. Nghị định số 06/2018/NĐ-CP cũng quy định một số chính sách hỗ trợ khác đối với trẻ em và giáo viên mầm non ở những vùng đặc thù...
Thời gian qua, đời sống của giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn nên dẫn tới các hệ lụy như: Không đầu tư nhiều thời gian cho chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trên lớp. Một số giáo viên nghỉ việc đi làm nghề khác; tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non không đủ chỉ tiêu... Tại những tỉnh có điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp không hỗ trợ thêm được như Bình Phước rơi vào tình trạng thiếu giáo viên mầm non trầm trọng, đặc biệt là tại địa bàn dân tộc thiểu số, địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực thời gian và cường độ làm việc, nhưng thu nhập lại thấp. Tại một số trường, cơ sở giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng nông thôn, do đời sống quá khó khăn dẫn tới sai phạm như lạm thu, thu - chi không minh bạch... dù không lớn nhưng ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của những người làm nghề giáo.
Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh vừa chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi học mầm non, vừa mải mê vườn rẫy lo cái ăn cái mặc trước mắt nên không đưa con đến trường... Trẻ em không được chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, không ra lớp hoặc chỉ ra lớp 1 buổi/ngày... dẫn tới chất lượng chăm sóc, giáo dục không bảo đảm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao. Kéo theo ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục lớp 1 và những năm đầu tiểu học. Tại nhiều địa bàn dân tộc thiểu số, đến khi đi học lớp 1, trẻ em vẫn chưa biết tiếng Việt hoặc trình độ không theo kịp chương trình giáo dục, không theo kịp bạn học trong lớp...
Nghị định số 06/2018/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức ăn bán trú tại trường cho trẻ. Qua đó cũng có thể huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và tổ chức xã hội nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Giáo viên mầm non ở địa bàn đặc thù được hỗ trợ cũng sẽ thêm động lực để họ gắn bó với nghề. Hy vọng điều này sẽ góp phần làm giảm sức nóng trong các cuộc họp khi đề cập đến bậc mầm non của ngành giáo dục trong thời gian tới.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065