BP - Sự kiện nổi bật nhất tuần qua là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra những quyết sách đưa Bình Phước sánh kịp các địa phương khác, xứng tầm là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Niềm vui như được nhân đôi khi Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đưa thêm 13 huyện của 4 tỉnh trong đó có huyện Lộc Ninh của Bình Phước được hưởng chính sách về củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Chính sách về củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16-1-2014. Theo quyết định này, Bình Phước có 2 huyện là Bù Gia Mập, Bù Đốp và đã được thực hiện từ năm 2014 tại 5 tỉnh Tây Nguyên cùng 21 huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên. Đề án này có các chính sách dành cho cán bộ, công chức cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định và cán bộ, công chức được tăng cường về cơ sở. Nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục đích là nhằm củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng Tây Nguyên vững mạnh toàn diện.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 70% đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở từ nguồn chi sự nghiệp đào tạo. Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện quy hoạch tạo nguồn cán bộ, công chức cơ sở hằng năm và hỗ trợ trang bị máy vi tính cho các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngoài ra, chương trình còn được kết hợp kinh phí từ các chương trình, đề án, dự án quốc gia liên quan đang triển khai trên địa bàn vùng Tây Nguyên... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh giáp Tây Nguyên có các huyện được thụ hưởng chương trình xác định các xã đáp ứng tiêu chí, lập kế hoạch để triển khai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 124/QĐ-TTg.
Quyết định của Thủ tướng là niềm vui với những huyện được hưởng chính sách. Nhưng cần phải xem đây là động lực, sự hỗ trợ để đào tạo cán bộ cho địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn. Tức là Thủ tướng trao cho các vùng chiếc “cần câu” chứ không phải là “con cá”. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực thực hiện thật hiệu quả, nhất là trong công tác tuyển chọn, cử cán bộ đi học có đức, có tài, có tinh thần trách nhiệm để vươn lên và đạt kết quả cao trong học tập. Không nên xem việc thụ hưởng chương trình là sự ban phát, ân huệ từ cấp trên để tạo ra thói trông chờ, ỷ lại, nguy hại tới sự phát triển của xã hội.
Trước đây, việc cử tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... đi học trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nhưng chất lượng chưa thật tương xứng với ngân sách bỏ ra. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không thạo việc hoặc phải đào tạo lại. Vì vậy, ngoài yếu tố tuyển chọn đối tượng thì cũng cần phải lựa cơ sở đào tạo có uy tín, năng lực nhằm đảm bảo nhu cầu công việc ở cơ sở. Đừng để khi có quyết định thì niềm vui nhân đôi nhưng kết quả sử dụng lại là nỗi buồn gấp rưỡi.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065