ĐẨY MẠNH ÁP DỤNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT
Với mong muốn sản xuất ra nhiều sản phẩm để nâng cao đời sống gia đình cũng như xã hội, anh Nguyễn Thành Quá, chủ trang trại chăn nuôi heo ở ấp 1, xã Tân Khai đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi về đầu tư chuồng trại nuôi heo khép kín. Trên diện tích 6 ha, anh Quá đầu tư nuôi heo, thả cá, trồng cây ăn trái, cao su và cây xanh.
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, heo lớn nhanh, ít bệnh. Năm qua, ngoài 200 con heo nái và đực phối giống, trang trại của anh còn xuất bán 900 con heo giống, 100 tấn heo hơi. Hiện cả 4 dãy chuồng có diện tích 3.000m2 đều được sử dụng với tổng đàn 1.500 con. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ xuất bán 150 tấn heo thịt. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lời khoảng 450 triệu đồng. Nhờ sản xuất - kinh doanh hiệu quả, trang trại của anh đã tạo việc làm ổn định cho 9 lao động, thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Các trang trại nuôi heo trên địa bàn huyện Hớn Quản hầu hết được đầu tư theo quy trình khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Là một trong những trang trại trồng cao su lớn nhất huyện, mặc dù giá mủ cao su thấp nhưng nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, khai thác vườn cây, năm 2014 Công ty TNHH Khánh Giang (tên thường gọi là Nông trại Phú Gia) ở ấp 9, xã Tân Hiệp vẫn đạt doanh thu 12 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm ổn định cho 140 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện công ty đã có 1 chi bộ với 5 đảng viên cùng tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và chi hội phụ nữ với 42 hội viên.
Trao đổi bí quyết duy trì phát triển ổn định, ông Nguyễn Kiên Trung, Phó giám đốc công ty cho biết: “Trong sản xuất, chúng tôi chú trọng từ khâu làm đất, chọn giống, xuống giống, nhất là không mua giống trôi nổi trên thị trường. Hàng năm, trang trại kiểm kê, phân loại chất lượng vườn cây để có giải pháp chăm sóc kịp thời, thích hợp”.
ĐÓNG GÓP TỪ THIỆN XÃ HỘI
Năm 2014, giá mủ cao su thấp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, các trại gà, heo trên địa bàn huyện chủ yếu là nuôi gia công cho các công ty nước ngoài nên không chủ động được nguồn vốn, thức ăn, giá sản phẩm thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, nhiều trang trại vẫn phát triển. Điển hình là các trang trại Ngọc Hương, Phú Gia ở xã Tân Hiệp; Nghĩa Phúc ở xã Minh Đức; gia đình ông Đỗ Thám ở xã Tân Hưng...
Ông Trương Văn Thưa, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tiết kiệm từ nguồn thu, các trang trại đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và xây dựng nông thôn mới. Năm qua, các trang trại đã hỗ trợ sửa chữa 5 căn nhà, xây mới 74 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng”.
Các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền đã vận động doanh nghiệp, trang trại ủng hộ 3.685 phần quà tặng người nghèo ăn tết trị giá 1,1 tỷ đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều doanh nghiệp, trang trại đã đầu tư sửa chữa, làm mới nhiều tuyến đường trong khu dân cư ở các xã An Khương, Thanh Bình, Phước An...
VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Hớn Quản hiện có 204 trang trại, trong đó 157 trang trại trồng trọt, 47 trang trại chăn nuôi. Năm 2014, doanh thu đạt 526 tỷ đồng. Các trang trại đã tạo việc làm cho 5.167 người, trong đó lao động thường xuyên 2.219 người, còn lại là lao động thời vụ. Thu nhập bình quân người lao động đạt từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. |
Theo đánh giá của UBND huyện Hớn Quản, hầu hết các trang trại đều hình thành tự phát, quy mô vừa và nhỏ; việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các trang trại gặp nhiều khó khăn; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, phát triển trang trại mới...
Hạn chế đáng báo động trong phát triển kinh tế trang trại ở Hớn Quản hiện nay là trình độ quản lý của các chủ trang trại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chưa qua đào tạo, tập huấn, chủ yếu điều hành sản xuất theo kinh nghiệm. Do vậy, khả năng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhiều chủ trang trại còn hạn chế. Mặt khác, người lao động làm việc trong các trang trại chưa nhiều, ít có hợp đồng, chủ yếu là lao động thời vu...
Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Thưa cho rằng: Để kinh tế trang trại phát triển bền vững, các cấp, ngành cần sớm có những giải pháp hỗ trợ loại hình kinh tế này. Trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân các vùng có lợi thế phát triển kinh tế trang trại. Ngành ngân hàng xem xét mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức vay và có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi để kinh tế trang trại phát triển...
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065