BP - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Bù Đốp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm như: Vận động hỗ trợ kế sinh nhai; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; chú trọng đào tạo nghề và giới thiệu giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS)… Đến nay, chất lượng đời sống người dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Qua đó, góp phần giúp các xã từng bước hoàn thành tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
HỖ TRỢ SINH KẾ
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Huyện ủy Bù Đốp đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của Bù Đốp xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Mỗi cơ quan, đơn vị sẽ phụ trách theo từng lĩnh vực và đánh giá thực trạng hộ nghèo trên địa bàn huyện. Từ đó tìm ra nguyên nhân và xây dựng giải pháp hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ như: Tín dụng ưu đãi; hỗ trợ tiền điện, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý... và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Gia đình bà Hoàng Thị Dìm (phải) ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp nghe cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội đến tận nhà hướng dẫn hỗ trợ các thủ tục vay vốn phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp cho biết: “Hằng năm, ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận các vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến hết tháng 3-2019, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay hỗ trợ với tổng vốn 245 tỷ 196 triệu đồng, chủ yếu cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể. Trong đó, giải quyết cho 716 lượt hộ nghèo vay 20 tỷ 213 triệu đồng; 1.245 lượt hộ cận nghèo vay 31 tỷ 495 triệu đồng và 1.839 lượt hộ mới thoát nghèo vay 45 tỷ 243 triệu đồng. Từ vốn vay, nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”.
Bù Đốp còn triển khai mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản cho các hộ nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã phân bổ 500 triệu đồng cho Bù Đốp thực hiện mô hình giảm nghèo. Để nguồn vốn sử dụng hiệu quả, huyện đã triển khai mô hình nuôi dê sinh sản và chọn xã Phước Thiện - nơi có đông hộ nghèo để thực hiện. Theo đó, 15 hộ được hỗ trợ dê sinh sản, mỗi hộ 4-5 con. Tháng 10-2018, Bù Đốp cũng được Tập đoàn Vingroup tài trợ kinh phí mua 40 con bò sinh sản tặng 40 hộ nghèo tại 3 xã Thanh Hòa, Tân Tiến và Tân Thành để phát triển kinh tế. Ông Lê Đình Hiệu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “2 mô hình nuôi dê, bò sinh sản đang phát triển rất hiệu quả, phát huy được thế mạnh của địa phương, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên địa bàn. Mô hình cũng phù hợp với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ của từng hộ dân, đem lại nguồn thu nhập, giúp các hộ khó khăn phấn đấu vươn lên, góp phần xóa nghèo bền vững”.
Gia đình anh Mông Văn Hơn ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện (Bù Đốp) được hỗ trợ 4 con dê sinh sản theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Gia đình bà Hoàng Thị Dìm ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện thuộc hộ nghèo, ít đất sản xuất. Nhiều năm qua, hộ bà Dìm được xã Phước Thiện tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội 78 triệu đồng. Số tiền này, bà Dìm đầu tư chăn nuôi và sửa nhà ở. Năm 2017, gia đình bà còn được hỗ trợ 4 con dê sinh sản theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Nhờ đó, từ diện nghèo, ít đất sản xuất, đến nay hộ bà Dìm đã có đàn dê hơn 20 con và 1,2 ha đất trồng tiêu. Mỗi năm gia đình bà bán khoảng 20 con dê thịt (25-30kg/con) với giá 120 ngàn đồng/kg. Bà Dìm cho biết: “Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nay gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Hằng năm, huyện phối hợp các trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho người dân, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS. Thường xuyên thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cho các hội, đoàn thể, UBND xã, thị trấn biết để tuyên truyền rộng rãi trên loa phát thanh giúp người dân nắm thông tin, tìm việc làm. Nhờ đó, trung bình mỗi năm Bù Đốp giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động nông thôn; giới thiệu 5 lao động học tiếng nước ngoài để xuất khẩu lao động; đào tạo nghề cho 350 lượt lao động, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, DTTS.
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO
Những năm qua, UBND huyện Bù Đốp còn chú trọng xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết giúp hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà có chỗ ở ổn định. Từ năm 2016-2018, huyện đã vận động xây dựng được 193 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Trong đó, 53 căn xây theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; 80 căn được hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh với tổng trị giá 4,21 tỷ đồng; số còn lại do UBND huyện và các hội, đoàn thể, UBND xã, thị trấn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ. Riêng năm 2019, Bù Đốp phấn đấu xây dựng 30 căn (20 căn từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và 10 căn do UBND huyện vận động) cho 30 hộ tại xã Tân Tiến nhằm xóa hết nhà tạm, giúp xã hoàn thành tiêu chí về nhà ở và về đích nông thôn mới trong năm. Đến nay, 30 căn đã có nguồn kinh phí và đang triển khai xây dựng, đảm bảo đúng tiến độ.
Theo tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều, đầu năm 2016, huyện Bù Đốp có 1.273 hộ nghèo và 1.180 hộ cận nghèo trên tổng 14.125 hộ dân toàn huyện. Đến nay, hộ nghèo giảm còn 950 hộ (trong đó có 307 hộ nghèo là DTTS) và 1.012 hộ cận nghèo (giảm 323 hộ nghèo và 168 hộ cận nghèo so với năm 2016). Dự kiến trong năm 2019, huyện phấn đấu giảm thêm 100 hộ nghèo là đồng bào DTTS... |
Chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, điện... cho người nghèo cũng được Bù Đốp triển khai hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mua và cấp phát 8.402 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; 3.532 thẻ cho người cận nghèo; 20.599 thẻ cho người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; 31.122 thẻ cho người dân đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và 702 thẻ cho người thuộc diện hộ làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Huyện cũng thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập, tiền ăn trưa cho hàng ngàn lượt học sinh thuộc diện con hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Đồng thời, cấp bù tiền miễn giảm học phí cho 19 học sinh, sinh viên theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP với tổng 147 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 2.468 lượt hộ nghèo với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065