Tại khu bảo tồn có các loài rùa biển quý hiếm và đây là nơi có điều kiện sống rất tốt cho rùa. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn có đường bờ biển dài 75km; trong đó có 67,5km bờ biển bãi ngang cát trắng, thích hợp cho các loài rùa biển lên đẻ trứng. Trong 5 loài rùa ở vùng biển Việt Nam, có 2 loài quý nhất là đồi mồi và rùa da thì chủ yếu sinh sống ở vùng biển, đảo của Quảng Trị.
Kể từ khi được thành lập, Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển” nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển; đồng thời cứu hộ kịp thời rùa, điều tra thu thập mẫu vật, phân loại các loài sinh vật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của khu bảo tồn.
Lực lượng chức năng cùng ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thả rùa về với biển - Ảnh: Nguồn baoquangtri.vn
Vùng biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh là một trong những nơi ngư dân phát hiện, cứu hộ được nhiều rùa biển nhất ở Quảng Trị. Tại vùng biển này, ngư dân thường dùng lưới để khai thác hải sản. Do đó, nhiều cá thể rùa bị mắc vào lưới. Hơn 10 năm trước, ngư dân phát hiện rùa biển mắc lưới thường mang về bán hoặc giết thịt, nhưng những năm trở lại đây, tình trạng này hầu như không còn xảy ra. Ngư dân đã chủ động báo chính quyền địa phương, tình nguyện viên bảo vệ rùa biển để cứu hộ và thả lại rùa về biển. Song song đó, thời gian qua, ngư dân ở Quảng Trị đã cùng với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, cứu hộ, thả hàng chục con rùa về biển. Có được điều này là do ngư dân nhận thức được việc bảo vệ rùa biển là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ biển và bảo vệ chính môi trường sống của con người.
Để nâng cao nhận thức về bảo vệ rùa biển, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã thành lập các đội tình nguyện viên bảo vệ rùa ở 12 xã, thị trấn vùng ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ, với 26 thành viên; đồng thời phối hợp lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống cho rùa biển. Các đơn vị còn phối hợp trường học tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu về rùa biển; tổ chức chiến dịch làm sạch bờ biển, giám sát rác thải nhựa vùng ven biển, tạo môi trường sạch cho rùa sinh sống.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, đến tháng 6-2020, đơn vị đã phát hiện, cứu hộ và thả trên 80 con rùa biển về lại đại dương. Rùa biển có đặc tính chỉ sinh sản ở bãi biển sạch, yên tĩnh, ít có sự tác động con người. Do đó, việc phát hiện ngày càng nhiều rùa ở vùng biển Quảng Trị thời gian gần đây là tín hiệu vui, cho thấy môi trường biển đang được cải thiện. Tuy nhiên, nguy cơ rùa biển bị suy giảm vẫn luôn hiện hữu bởi các hoạt động đánh bắt, mua bán bất hợp pháp. Ngoài ra, còn do hoạt động xây dựng các công trình ven biển, rác thải, hoạt động du lịch ở bãi biển, nuôi trồng thủy sản... làm mất bãi đẻ của rùa.
Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2019-2025 nhằm quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng. Theo đó, 100% cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện viên làm việc liên quan đến bảo tồn rùa biển được tập huấn kiến thức chuyên sâu về rùa biển, kỹ năng, kỹ thuật bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển. Đội tình nguyện viên quan sát, bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển được duy trì tại 12 xã, thị trấn ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ. Chương trình nói không với túi ni-lon, nhựa dùng 1 lần, ống hút nhựa được triển khai tại huyện đảo Cồn Cỏ. 50% cộng đồng dân cư sinh sống tại các xã ven biển đã được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển. Có 70% trường THCS tại các xã, thị trấn ven biển có chương trình ngoại khóa về rùa biển. Có 50% thuyền trưởng, chủ tàu thuyền nghề cá được tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển và kỹ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển. 70% các xã, thị trấn ven biển triển khai chương trình giám sát chất thải nhựa đại dương... Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những khu bảo tồn biển có đa dạng sinh học cao, được thành lập vào tháng 10-2009. Khu bảo tồn ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ, có diện tích trên 4.532 ha, được chia thành 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính và vùng đệm.
Thanh Trà (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065