ĐỘt phá tỪ đẨy mẠnh liên kẾt
Hoạt động liên kết ngành, vùng, giữa nhà sản xuất - nhà khoa học và nhà phân phối đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối cung - cầu hàng hóa theo hướng bền vững, giúp ngành công thương gặt hái được nhiều kết quả khả quan, sản phẩm chủ lực đều tăng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, clinke xi măng 11,5%; điện sản xuất 10,21%; hạt điều nhân 10,3%; xi măng 9,6%; thiết bị tín hiệu âm thanh 12%; tinh bột sắn, bột dong riềng 4,01%; ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 5,26%; điện thương phẩm 4%; đá xây dựng 3%...
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Do quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng; sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú; nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị đầu tư lớn; sản phẩm chất lượng cao tập trung ở nhiều lĩnh vực nên tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp”.
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày cũng là thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến tỉnh. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH T&M (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành) đang sản xuất
2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời cũng là năm đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo nền kinh tế của Chính phủ kiến tạo, xem “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được thực hiện nhất quán từ Trung ương đến địa phương mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kích thích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều đó cũng khuyến khích xuất khẩu hàng hóa tăng. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2017 ước thực hiện hơn 1,991 tỷ USD, tăng 29,03% so cùng kỳ 2016. Các sản phẩm xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ 2016 và cũng là những sản phẩm từ cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, như hạt điều nhân tăng 14,6% so cùng kỳ; mủ cao su thành phẩm tăng 5,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 11,8%; sản phẩm từ cao su (trừ săm, lốp) tăng 15%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 48,5%; máy móc, thiết bị tăng 214,3%... Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 33,2% so cùng kỳ, đạt 344% kế hoạch năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: hạt điều thô, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại... Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh do giá trị nhập khẩu hạt điều thô tăng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng. Thặng dư thương mại liên tục duy trì ở mức ổn định, đóng góp quan trọng là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: điều, cao su, tinh bột sắn...
Công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2017 ước thực hiện 34.229,7 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ 2016; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí đạt khoảng 1.752,7 tỷ đồng, tăng 5%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước thực hiện 150,9 tỷ đồng, tăng 3%; công nghiệp khai khoáng ước thực hiện 357,8 tỷ đồng, tăng 3%.
NHỮNG khó khăn, thách thỨc
Ông Nguyễn Anh Hoàng, cho biết thêm, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến tuy chuyển dịch đúng hướng nhưng so tiềm năng, lợi thế thì phát triển còn chậm. Sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng công nghệ cao còn ít, các sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất chính không đáng kể, hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nguyên nhân do cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi; tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả; quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chậm; cơ cấu ngành chuyển biến chậm so với yêu cầu phát triển; hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị thấp do doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngành công nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh tăng mạnh về chế biến điều nhân trong năm 2017
Công nghiệp Bình Phước chưa thật sự nổi trội, bứt phá khi không ít doanh nghiệp trong tỉnh hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý, chưa nhạy bén với thị trường, nhận diện những rủi ro trong sản xuất - kinh doanh chưa sát, trúng so với thực tế. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh chưa phù hợp và kế hoạch phòng ngừa sự cố, rủi ro cũng còn bị xem nhẹ dẫn đến hiệu quả chưa cao và tính bền vững thấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa có khách hàng truyền thống và tạo uy tín, thương hiệu cho đơn vị nên không mở rộng được thị trường tiềm năng dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được.
TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ BỨT PHÁ
Năm 2018, nhiệm vụ quan trọng ngành công thương tỉnh đặt ra là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, xây dựng và củng cố thương hiệu doanh nghiệp, chỉ dẫn địa lý có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Anh Hoàng cho biết: “Ngành đã và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, dịch vụ hành chính công, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân; công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của ngành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Toàn ngành quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; rà soát cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Năm 2017, ngành tiếp nhận và xử lý 1.173 hồ sơ thì có đến 1.102 hồ sơ giải quyết trước thời gian hẹn. Thông qua kết quả thăm dò thái độ phục vụ, 60,9% được đánh giá rất tốt, còn lại 39,1% khá”.
Để công nghiệp chế biến phát huy lợi thế, ngành công thương còn đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện những giải pháp cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của tỉnh, như cao su, điều, dệt may, giày da... Tích cực triển khai, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường mà Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm đến các tỉnh biên giới thuộc Vương quốc Campuchia nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội tìm kiếm thị trường, nhà đầu tư nước ngoài.
Ngọc tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065