Nông dân Bình Phước thu hoạch mì - Ảnh: T.C
PV: Xin ông cho biết những lợi ích đối với người tiêu dùng khi sử dụng xăng sinh học?
Ông Lê Văn Uy: Xăng E5 có nhiều lợi ích đối với động cơ nổ và thân thiện với môi trường. Loại xăng này giúp máy móc vận hành tốt hơn, bền bỉ hơn, tăng tuổi thọ và giảm tiêu hao nhiên liệu so với sử dụng xăng truyền thống. Lượng khí độc thải ra môi trường cũng ít hơn so với xăng truyền thống nên khi sử dụng xăng E5 sẽ làm giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần cải tạo môi trường. Việc đưa xăng E5 vào sử dụng rộng rãi sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phát triển và tăng thu ngân sách nhà nước...
PV: Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh như thế nào để thực hiện lộ trình của Chính phủ, thưa ông?
Ông Lê Văn Uy: Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2924/QĐ-UBND. Vì vậy, sở đã và đang rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để triển khai lộ trình phân phối xăng E5 tại Bình Phước. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng E5 đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về tiện ích của việc sử dụng xăng E5. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ vốn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng cấp, sửa chữa các trạm kinh doanh để đưa xăng E5 vào tiêu thụ. Trong đó sẽ có quy định bắt buộc tất cả các phương tiện cơ giới nói riêng, động cơ nổ nói chung (đang sử dụng xăng truyền thống) phải đồng loạt sử dụng xăng E5.
PV: Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất Ethanol tại huyện Bù Đăng. Vì sao nhà máy chưa đưa vào vận hành thương mại?
Ông Lê Văn Uy: Việc đầu tư xây dựng nhà máy này nằm trong chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ. Thời gian qua có thông tin nhà máy đóng cửa là không đúng, vì Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) - đơn vị chủ quản mới vận hành thử nghiệm, chờ cơ hội thích hợp sẽ chính thức đưa vào sản xuất thương mại.
PV: Với chức năng của mình, sở đã có giải pháp hỗ trợ nào để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy cũng như người dân trong vùng canh tác cây nguyên liệu phục vụ chế biến?
Ông Lê Văn Uy: Mùa vụ năm 2014, giá mì tươi xuống chỉ còn khoảng 1.350 đồng/kg, nông dân không có lãi. Theo thông cáo của OBF, trong năm 2015 dự kiến nhà máy sản xuất 9.000m3 để tiêu thụ trên thị trường nội địa. Từ năm 2016, khi lộ trình sử dụng đã đi vào ổn định, giá xăng dầu thế giới phục hồi, OBF sẽ hoạt động hết công suất, tiêu thụ khoảng 250 ngàn tấn mì khô/năm. Với nhu cầu nguyên liệu đầu vào lớn, nhà máy không chỉ tổ chức thu mua nguồn mì khô trên địa bàn tỉnh mà còn phải gom hàng ở các tỉnh trong khu vực, kể cả các nước lân cận như Campuchia, Lào...OBF sẽ liên kết với nông dân để tạo vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy với mức giá thu mua hợp lý. Đây là tín hiệu vui cho người trồng mì trong những vụ mùa tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Mảng (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065