Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh cả nước tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay giảm khoảng 12% so với năm 2015, trong đó đáng chú ý có khoảng 32% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Riêng tỉnh Bình Phước, thống kê của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT) cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2016 toàn tỉnh có 9.063 thí sinh dự thi. Trong đó có 6.161 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét vào đại học, cao đẳng; 2.152 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp và 750 thí sinh tự do dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhiều người cho rằng, ngày càng nhiều học sinh không đăng ký vào đại học đã phản ánh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở bậc THPT bước đầu có hiệu quả. Học sinh đã biết tự lượng sức học và hoàn cảnh gia đình của mình để chọn ngành, chọn bậc đào tạo. Quan trọng hơn là nhận thức của một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh đã thay đổi, không còn quan niệm nhất thiết phải vào đại học mới có công việc tốt sau này.
Cùng với đó là nhiều năm gần đây, lao động có trình độ cao đẳng, đại học, thậm chí là cả thạc sĩ ngày càng khó tìm được việc như mong muốn. Cả nước hiện có hơn 200 ngàn người có bằng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trung bình mỗi năm Việt Nam cho “ra lò” hơn 400 ngàn cử nhân, gấp nhiều lần nhu cầu xã hội. Sở dĩ cử nhân ở nước ta ra trường thất nghiệp có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là họ chỉ được dạy những gì trường đại học có, chứ không được dạy điều xã hội cần. Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á (QS University Rankings Asia) vừa công bố top 500 các trường đại học châu Á năm 2016. Theo xếp hạng này, Việt Nam có 5 trường đại học, trong đó hai trường lọt vào top 150 đại học hàng đầu châu Á. Nhưng đó chỉ là tại châu lục, mà khoảng cách từ châu Á ra đến thế giới còn xa lắm! Chất lượng đào tạo thạc sĩ hiện nay cũng cần xem lại, bởi có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, đành lựa chọn cách học lên thạc sĩ. Thế nhưng chương trình bậc thạc sĩ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu chuyên sâu. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập lại đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức trong thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.
Từ thực tế như vậy, việc học sinh năm nay không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng tăng là dấu hiệu đáng mừng. Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học giảm cho thấy sự đánh giá về bằng cấp đã thay đổi, ngày càng nhiều học sinh không chọn thi đại học là khả quan. Nếu công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tiếp tục được duy trì và làm tốt thì những năm tới, chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở nước ta sẽ từng bước được khắc phục.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065