BP - “Tín dụng đen” thực chất là một hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất cao vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép. Và mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định xử lý hình sự hành vi cho vay lãi nặng, nhưng những quy định còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn nên trong thực tế nhiều năm nay rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị xử lý hình sự. Vì thế, “tín dụng đen” đã và đang xảy ra ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Và “tín dụng đen” không những đã gây ra rất nhiều hệ lụy, bất ổn về an ninh, trật tự trong xã hội mà còn có thể đẩy người đi vay vào con đường kiệt quệ. Vậy, nguyên nhân từ đâu?
TỪ NHỮNG BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi cho vay lãi nặng, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay lãi nặng mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” sẽ bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng.
Minh họa: S.H
Tại Điều 163 trong Bộ luật Hình sự hiện hành năm 1999, là những quy định về tội cho vay lãi nặng, với nội dung như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trong khi đó, tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành là những quy định về lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự, với nội dung như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì lãi suất cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Cụ thể, nếu lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố là 10%/năm thì lãi suất cho vay giữa hai bên dân sự là không được quá 15%/năm. Trong khi đó, tại Bộ luật Hình sự hiện hành lại quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Vì cho vay và vay là hành vi dân sự nên hành vi này được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Do đó, lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định (Bộ luật Dân sự) là không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Mà theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người nào cho vay với mức lãi suất gấp từ 10 lần trở lên đối với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định...
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định là vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn rõ ràng thế nào là có tính chuyên bóc lột. Còn nội dung hành vi cho vay lãi nặng nhằm trục lợi bất chính hay người phạm tội chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng thì có thể hiểu và áp dụng được. Tuy nhiên, việc áp dụng này không có tính pháp lý chặt chẽ. Do đó, mặc dù tình trạng cho vay lãi nặng xảy ra tương đối phổ biến, có trường hợp rất nghiêm trọng nhưng có rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và thực tiễn đã chứng minh, nếu lợi nhuận 100% thì nhà đầu tư sẽ bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ họ vẫn cứ làm... Vì vậy, “tín dụng đen” vẫn tồn tại trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu.
VỚI BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015,
TÍN DỤNG ĐEN VẪN CÒN ĐẤT SỐNG
Từ những quy định bất cập về vấn đề trên, trong nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 và Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đã có những quy định cụ thể hơn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể, tại Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất, với nội dung như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, đối với trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Đối với trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.
Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự là vậy, còn tại Điều 201 trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, với nội dung như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Và theo quy định như trên của hai bộ luật, thì tín dụng đen vẫn còn đất sống. Xin dẫn ra đây một ví dụ như sau: Ông A vay của ông B số tiền 100 triệu đồng. Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau về lãi suất là 20%/năm thì không có điều gì phải bàn, vì đúng với quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Song, để tránh bị truy tố về tội cho vay nặng lãi, ông B yêu cầu ông A phải trả lãi suất gấp 4,8 lần so với lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Như vậy, mức lãi suất mà ông A phải trả cho ông B là 96%/năm. Tức là với số vốn vay 100 triệu đồng thì sau 1 năm ông A phải trả cho ông B cả vốn và lãi là 196 triệu đồng.
Ở đây lại phát sinh một bất cập nữa, đó là ông B sau một năm cho ông A vay 100 triệu đồng và thu lãi tới 96 triệu đồng nhưng vẫn không bị coi là thu lợi bất chính. Vì Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức cho vay gấp 5 lần so với quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 thì không phạm tội cho vay nặng lãi. Và trường hợp thứ hai là ông B lấy lãi suất cho vay đối với ông A vừa đúng gấp 5 lần như quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng ông B thỏa thuận với ông A là chỉ cho vay 2 tháng. Như vậy, ông B thu lợi sau hai tháng là 20 triệu đồng đối với khoản vay 100 triệu đồng. Mặc dù ông B đã vi phạm quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là cho vay với lãi suất gấp 5 lần so với lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 là 20%/năm nhưng vẫn không phạm tội cho vay nặng lãi. Vì để phạm tội này, cần hội đủ hai yếu tố cấu thành tội phạm, đó là: Lãi suất cho vay phải gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, ông B mới chỉ có một yếu tố cấu thành tội phạm đó là lãi suất cho vay gấp 5 lần so với quy định trong Bộ luật Dân sự, còn yếu tố thứ hai thì ông B mới thu lợi có 20 triệu đồng. Vì vậy, ông B vẫn ung dung không bị xử lý hình sự.
Hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đa phần nằm ở mức 10-12%/năm. Trong khi đó, với tín dụng đen thì mức lãi suất đến 100%/năm vẫn không bị xử lý như trường hợp dẫn chứng nêu trên. Và thực tế cuộc sống cho thấy, đối với những người đức mỏng mà lòng tham lại quá dày thì nếu lợi nhuận đạt 50% họ có thể bất chấp pháp luật và nếu lợi nhuận lên tới 100% thì dẫu một chân ở trong tù và một chân ở ngoài thì họ cũng vẫn cứ làm. Vì vậy, với quy định như trên của pháp luật thì tín dụng đen vẫn còn đất sống.
Luật gia Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065