Tại UBND xã Thống Nhất, trong ngày Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng tổ chức phiên giao dịch tháng 2-2020 thu lãi và tiếp tục giải ngân cho các hộ có nhu cầu vay vốn đã được duyệt, chị Thị Sẻ (SN1989, dân tộc S’tiêng) cho biết: Năm 2017, chị vay 52 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo và nước sạch, vệ sinh môi trường. Gia đình mua 2 con bò đang có thai và máy tưới cà phê. Số tiền còn lại chị mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Máy bơm điện tiết kiệm chi phí, chỉ bằng 1/3 so với máy dầu nên gia đình rất phấn khởi. Cà phê được tưới 4-5 lần trong mùa khô nên ra bông đậu trái và sinh trưởng tốt. Cây điều cũng từ đó được hưởng lợi. Kinh tế gia đình chị đang dần ổn định với đàn bò nay đã 7 con, điều và cà phê phát triển tốt.
Luồng gió mới
Chị Thị Sẻ là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Thống Nhất, được thành lập từ tháng 3-2017. Tổ có 37 thành viên, tổng dư nợ hiện 1,041 tỷ đồng. Đây là một trong những tổ hoạt động hiệu quả nhất trong xã. Chị Sẻ cho biết: Vốn vay từ 10-50 triệu đồng rất phù hợp, giúp hộ nghèo, cận nghèo, ít đất làm quen với việc tính toán đầu tư sao cho hợp lý. Việc đóng lãi và hoàn vốn cũng không sợ rủi ro. Trong số 37 thành viên của tổ vay vốn thì 50% là thanh niên mới lập gia đình. Hiện các hộ rất tích cực phát triển kinh tế, tạo nên phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo sôi nổi khắp thôn.
Anh Trương Văn Hùng (bên trái) ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng giới thiệu điều ghép của gia đình cho năng suất cao
Nhà anh Trương Văn Hùng (SN 1990, dân tộc Nùng) ở thôn 1, xã Thống Nhất giáp đường ĐT755 có 2 ha đất canh tác. Năm 2018, anh làm đơn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Có vốn, anh Hùng cưa 50% diện tích điều già, sâu bệnh, kém năng suất trồng thay thế bằng 150 cây điều ghép cao sản. Những chỗ trồng thưa, trồng chưa đúng quy cách, anh bổ sung 20 cây vú sữa, 40 cây sầu riêng và vài chục cây mít Thái xung quanh làm hàng rào. Anh Hùng cho biết: “Những năm trước gia đình chỉ có cây điều nên khi điều mất mùa không biết xoay xở ra sao. Giờ tôi đã trồng bổ sung sầu riêng, vú sữa và mít Thái, chỉ 5-6 năm nữa sẽ cho thu hoạch đồng loạt. Tôi vừa xây được căn nhà mới nên càng quyết tâm làm kinh tế để trả nợ và thoát nghèo”.
Cách chừng 100m, gia đình anh Nông Văn Ký (dân tộc Nùng) cũng là hộ thanh niên tu chí làm ăn và có nhiều triển vọng. Đang nhặt điều cùng vợ và con gái sau nhà, tranh thủ giải lao anh Ký cho biết: “Năm 2017, tôi được vay 40 triệu đồng để chăm sóc 1,5 ha cà phê xen điều. 3 năm qua, mỗi năm tôi bón 2 lần phân vào dịp điều chuẩn bị ra bông và sau thu hoạch, đồng thời xịt 3 lần phân bón lá, dưỡng bông, đậu trái. Năm 2019, gia đình lời 50 triệu đồng, qua đó tôi đã mua được tivi, thay mái tôn và lo cho các con ăn học. Năm nay, vụ điều bắt đầu vào thu hoạch rộ, hy vọng kinh tế gia đình sẽ ngày càng ổn định”.
Tiếp sức hộ nghèo
Ngân hàng công khai nội quy giao dịch tại xã, gồm các chế độ, chính sách mới, chương trình cho vay, lãi suất vay, gửi... Kết thúc phiên giao dịch định kỳ hằng tháng, ngân hàng in sao kê dư nợ của từng hộ vay và niêm yết công khai tại UBND các xã, thị trấn. Chương trình cho vay của ngân hàng hoàn toàn tín chấp. Mức cho vay tuy không nhiều nhưng đã tiếp sức cho hộ khó khăn có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Hạp Tiến Khoa, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng |
Năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng được giao tổng vốn 290,851 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 288,109 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của huyện 2,742 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2019, ngân hàng hợp đồng ủy thác với 4 đoàn thể chính trị huyện số tiền 290,359 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ với 12 chương trình cho vay. Trong đó, ủy thác các hội: Nông dân 81,647 tỷ đồng; phụ nữ 94,785 tỷ đồng; cựu chiến binh 54,663 tỷ đồng; đoàn thanh niên 59,264 tỷ đồng. Toàn huyện có 272 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng 11.106 hộ vay. Trong đó, nhiều nhất là xã Đắk Nhau dư nợ 35 tỷ đồng. Huyện có 4.419 hộ dân tộc thiểu số vay 112,728 tỷ đồng, chiếm 39% tổng dư nợ của ngân hàng.
Năm 2019, Ban đại diện của ngân hàng đã kiểm tra, giám sát 130 lượt hội đoàn thể xã, thị trấn; 226 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn; 1.023 hộ vay. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, cơ bản các tổ hoàn thành tốt việc quản lý tổ viên. Các hộ vay sử dụng đúng mục đích. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Đến ngày 31-12-2019, nợ quá hạn toàn huyện chỉ 0,661 tỷ đồng, chiếm 0,23% tổng dư nợ. Có 15 món vay trong diện rủi ro trị giá 0,243 tỷ đồng đã được xử lý. Ngoài ra, năm 2019, các tổ viên trong toàn huyện còn tiết kiệm được 20,123 tỷ đồng.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065