VÙNG NGUYÊN LIỆU CHO THƯƠNG HIỆU
BP - Các sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Toàn tỉnh có hơn 1.400 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều nhưng chỉ mới 5 doanh nghiệp được sử dụng chỉ dẫn địa lý ấy. Nguyên nhân vì sao còn quá ít cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều chưa quan tâm đến chỉ dẫn địa lý? Chúng tôi đã phỏng vấn Phó giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Đặng Hà Giang về vấn đề này.
PV: Quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hà Giang: Trước hết, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Đây là một đối tượng của sở hữu công nghiệp và cần phải phân biệt với nhãn hiệu hàng hóa thông thường. Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Được sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” được xây dựng trên cơ sở triển khai các hợp phần liên quan thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ và Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ thực hiện từ năm 2012-2018. Qua quá trình triển khai với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Pháp và Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đơn vị chủ trì thực hiện, các chuyên gia về chỉ dẫn địa lý đã nghiên cứu và tìm ra tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm hạt điều Bình Phước do điều kiện địa lý quyết định và khu vực địa lý được bảo hộ gồm 91 xã của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo (phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài) Trần Văn Sơn kiểm tra dán nhãn chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” trên sản phẩm của công ty
Với kết quả nghiên cứu đó, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” cho các sản phẩm: hạt điều nguyên liệu; hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối theo Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13-3-2018. Theo đó, chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, có 8 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” nhưng mới có 5 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn, gồm: Công ty cổ phần sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Sơn Thành, Công ty cổ phần Hà Mỵ, Công ty Mỹ Lệ TNHH, Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú, Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo.
PV: Sau hơn 1 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, nhưng đến nay mới chỉ có 5 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng, ông nhận xét như thế nào về việc này?
Ông Đặng Hà Giang: Trước hết về mặt sở hữu trí tuệ thì phải khẳng định, việc đăng ký tham gia chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là quyền tự nguyện của các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng và Hội điều Bình Phước có thể tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhưng không thể bắt buộc họ tham gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ hạt điều thì 5 doanh nghiệp tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là con số rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp tự xây dựng được thương hiệu của riêng mình. Khi xuất khẩu họ tuân thủ quy cách đóng gói và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu riêng của đối tác. Vì vậy, việc sử dụng bao bì, nhãn mác có gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là rất khó khăn và đôi khi không thể thực hiện được. Đối với các cơ sở nhỏ lẻ thì nhận thức về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn hạn chế. Phần lớn các cơ sở này không chủ động được nguyên liệu do thu mua rải rác trong dân. Mặt khác, sau khi kết thúc vụ điều, họ chuyển sang gia công các sản phẩm hạt điều nước ngoài hoặc ngưng sản xuất. Vì vậy, sản phẩm của họ thường không ổn định. Trong khi đó, hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, doanh nghiệp phải chứng minh việc đáp ứng quy trình canh tác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ một cách chặt chẽ; phải chứng minh được tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, xuất xứ của vùng nguyên liệu.
Giám đốc Công ty TNHH Vinahe Nguyễn Hoàng Đạt trao đổi về thương hiệu hạt điều với phóng viên
Nếu các doanh nghiệp ồ ạt nộp hồ sơ tham gia theo kiểu phong trào và chúng ta cấp chứng nhận một cách ồ ạt, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng cũng như giá trị hạt điều Bình Phước.
Vì vậy, quan điểm của chúng tôi, số doanh nghiệp tham gia ban đầu cần phải làm thật tốt, kiểm soát thật tốt để tạo thành các mô hình điểm. Khi họ chứng minh cho thị trường thấy giá trị mà chỉ dẫn địa lý mang lại thì khi đó tự khắc thôi thúc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn lại tham gia sử dụng. Bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu tham gia đều được chúng tôi tư vấn, hướng dẫn tận tình trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định, quy trình để được cấp chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
PV: Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” có lợi gì cho doanh nghiệp và điều gì là quan trọng để tạo dựng thương hiệu cho hạt điều Bình Phước, thưa ông?
Ông Đặng Hà Giang: Khi tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, người tiêu dùng đã lựa chọn được sản phẩm có chất lượng, an toàn, có tính chất đặc thù tỉnh Bình Phước, có sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại từ những địa phương khác. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Thông qua việc chấp hành tốt quy trình canh tác, sản xuất, chế biến, quản lý và sử dụng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” sẽ giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững hơn, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên và tạo cơ hội gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng lợi nhuận khi duy trì và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Từ đó kích thích những người sản xuất hạt điều áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện được chất lượng, góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Để duy trì và phát triển thương hiệu cho hạt điều Bình Phước, trước hết cần giữ vững và phát triển được vùng nguyên liệu thuộc khu vực địa lý đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Phó giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Đặng Hà Giang |
Hiện nay, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, khi các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thông qua hoạt động quảng bá chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu - công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh thị trường và đóng vai trò quan trọng để phát triển hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm doanh nghiệp tới người tiêu dùng.
Để duy trì và phát triển thương hiệu cho hạt điều Bình Phước, trước hết cần giữ vững và phát triển được vùng nguyên liệu thuộc khu vực địa lý đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” và làm tốt truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đang mang chỉ dẫn địa lý. Duy trì, quản lý và phát triển chất lượng giống hạt điều bản địa của tỉnh Bình Phước. Chú trọng thúc đẩy thị trường, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu để đưa chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” trở thành dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, đặc biệt là vai trò của Hội điều Bình Phước trong kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý và giúp hội viên thuận tiện, có trách nhiệm khi tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065