Để có thành công này, ông Tiến đã tốn 10 năm nghiên cứu ở nước ngoài với vài chục lần thử nghiệm. Sau khi về nước, ông muốn dành thành quả này cho người dân Việt Nam - đất nước chưa có nhiều công nghệ tiên tiến trong xử lý rác, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.
TÌM “GIẤY KHAI SINH” CHO SẢN PHẨM
Mặc dù không phải là kỹ sư chế tạo máy nhưng ông Tiến lại có kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại các nhà máy luyện kim ở Liên Xô suốt 20 năm. Đến năm 1991, ông chuyển qua sinh sống ở Ukraine và làm cộng tác viên cho Công ty công nghệ mới COTEC (Việt Nam). Thời điểm này tại Việt Nam đang bắt đầu triển khai xây dựng công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV. Vì thế, công việc chính của ông là tìm kiếm nguyên liệu sắt thép và tụ điện sứ cung cấp cho công trình. “Làm việc với các chuyên gia nước ngoài họ đều khen ngợi đất nước Việt Nam mình đẹp nhưng nhiều rác thải, điều này khiến tôi trăn trở mãi. Từ những kiến thức, kinh nghiệm về luyện kim, tôi nảy sinh ý tưởng chế tạo một lò đốt rác phù hợp với tình trạng rác thải chưa được phân loại tại nguồn và có độ ẩm cao tại Việt Nam” - ông Tiến chia sẻ.
Suốt nhiều năm mày mò, nghiên cứu, ăn, ngủ với bốn bề là sắt, thép, ông Tiến không nhớ mình đã phải phá bỏ bao nhiêu cái lò vì sau khi hoàn thành thì lò đốt rác hoạt động không như tính toán của ông. Mãi đến năm 2013, thành công cũng đã mỉm cười với ông. Sau đó, ông mang đi thử nghiệm tại các trường học và bệnh viện tại Ukraine, lò đốt rác của ông được đánh giá cao bởi tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Năm 2016, lò đốt rác được Cục Đo lường tiêu chuẩn khí thải Ukraine cấp giấy chứng nhận. Có được tờ “giấy khai sinh” này, năm 2018 ông Tiến bỏ hết công việc ở nước ngoài để về nước với mong muốn dành sản phẩm này cho người dân Việt Nam.
LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN XỬ LÝ RÁC SINH HOẠT
Về Việt Nam, ông Tiến cùng các cộng sự đã cải tiến thêm để lò đốt rác trở nên thông dụng hơn, có thể đốt tất cả loại rác cùng một lúc. Những ngày đầu vận hành máy, không đơn vị thu gom rác nào dám phối hợp với ông Tiến, nhiều người cho là điên vì ý tưởng đốt tất cả loại rác trong một cái lò là hoang tưởng. Bỏ qua sĩ diện, hằng ngày ông tự đi thu gom rác ở khu dân cư về đốt, tận mắt chứng kiến rác đưa vào và tro thải ra, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì hiệu quả và tính ưu việt của chiếc máy do ông sáng chế. Thị xã Bình Long đã ký ngay hợp đồng với công ty ông Tiến để xử lý rác cho thị xã.
Máy đốt rác nhỏ gọn, có thể đốt 8-10 tấn rác/ngày
Với nhiệt độ đốt của lò đạt khoảng 1.500-2.0000C, lò đốt rác do ông Tiến chế tạo có thể đốt tất cả loại rác có độ ẩm cao mà không cần phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, rác đưa vào lò được đốt cháy hoàn toàn và không gây mùi hay khói bụi ra môi trường. Ông Tiến nhẩm tính, bình quân 1 xe rác 7 tấn sau khi đốt sẽ thải ra khoảng 70kg tro. Tro có thể tận dụng làm phân bón cho nông nghiệp rất hữu ích.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ có thành phố Đồng Xoài có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; các huyện, thị xã còn lại hầu hết là bãi rác lộ thiên, mang tính tạm thời và đang trong tình trạng quá tải. Riêng ở thị xã Bình Long, trung bình 1 ngày phát sinh khoảng 20 tấn rác, tồn từ năm này qua năm khác, thế nhưng từ khi lò đốt rác đi vào vận hành, đang giúp thị xã xử lý từ 8-10 tấn/ngày, giải tỏa nỗi lo về rác thải sinh hoạt. |
Chiếc máy đốt rác nhỏ gọn nhưng hiệu suất cao, không gây hại môi trường, không phải chôn vùi rác thải, hệ thống sử dụng công nghệ hóa khí tự sinh nhiệt để đốt lò chứ không phụ thuộc vào nguồn năng lượng khác. Khí sinh ra được xử lý qua một bể dập bụi bằng hơi nước để không thải chất độc ra môi trường. Đặc biệt bên trong lò có một cánh quạt có thể vận hành bằng năng lượng mặt trời hoặc bình ắc-quy mà không cần phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Theo kết quả lấy mẫu phân tích của Công ty TNHH khoa học công nghệ và phân tích môi trường Phương Nam, TP. Hồ Chí Minh, khí phát thải từ lò đốt rác đảm bảo các chỉ tiêu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Lò đốt rác này được ông Tiến bán ra thị trường có giá 3 tỷ đồng. Điều đặc biệt nhất từ lò đốt rác của ông Tiến mang lại chính là khả năng tạo ra nguồn năng lượng điện có thể hòa vào lưới điện quốc gia. Với công suất đốt 1m3/giờ và liên tục 24/24 giờ sẽ tạo ra nguồn điện 100kw/giờ. Nếu được ứng dụng rộng rãi, chiếc máy này sẽ là công cụ hữu ích trong xử lý rác thải địa phương và tạo ra nguồn năng lượng điện cho người dân.
Rác - nghe đến nhiều người đã muốn tránh xa, thế nhưng ông Tiến lại tìm được thành công từ chính những thứ bị vứt bỏ. Với hiệu quả, tính ưu việt của máy xử lý rác và những dự định, ấp ủ trong đầu, hy vọng ông Tiến cùng các cộng sự của mình sẽ tiếp tục sản xuất ra nhiều máy xử lý rác, để góp phần giảm tải rác thải sinh hoạt đang ở mức báo động.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065