Cần có chính sách phù hợp để mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao.
Liên kết sản xuất - hiệu quả thấy rõ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của đề án này là nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia. Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm...
Có thể nói đề án này là sự hình thành từ những nghiên cứu về thực trạng, giải pháp đóng góp ý kiến của các nhà khoa học mà Bộ NN-PTNT đã “tích hợp” để trình Thủ tướng nhằm tìm hướng phát triển ổn định, bền vững cho cây lúa. Ngày 27-5, tại hội nghị “Cánh đồng lớn”, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổng hội NN-PTNT tổ chức tại Cần Thơ đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia nông nghiệp đến lãnh đạo trong vùng. Các đại biểu đã chỉ ra điểm mạnh và những điểm yếu cốt tử của mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL). Song, đều khẳng định đây là mô hình phù hợp để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam một cách khoa học và bền vững.
“Trước năm 2011, nhiều mô hình kỹ thuật canh tác theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cùng một số mô hình kỹ thuật có khuynh hướng cải thiện thêm chất lượng: “Cánh đồng một giống”, “Cánh đồng hiện đại”, “Cánh đồng lúa chất lượng cao” do một số tỉnh xây dựng. Đến sau năm 2011, mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) bắt đầu xuất hiện ở ĐBSCL”, tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết. Đã có lúc người ta “tranh luận bản quyền” mô hình CĐML xuất hiện đầu tiên ở An Giang hay Đồng Tháp!? Tất nhiên, đây là mô hình hay bởi nó đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân nên các tranh luận này bị “gác bỏ” để tập trung phát triển.
“Sau 5 năm triển khai, mô hình CĐL đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí của một phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, diện tích sản xuất CĐL năm 2011 từ 7.800ha đã gần chạm ngưỡng 300.000ha trong năm 2014 (chiếm gần 1/5 diện tích trồng lúa ở ĐBSCL). Mô hình CĐL đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân khi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, một số địa phương hỗ trợ tiền chênh lệch mua lúa giống xác nhận so với lúa thường (giá hỗ trợ tùy theo tỉnh), tập huấn kỹ thuật cho nông dân định kỳ khoảng 3 - 4 lần/vụ; hỗ trợ 30% - 50% tiền đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như: công cụ sạ hàng, lò sấy. Phía doanh nghiệp hỗ trợ bán phân bón theo giá gốc, hỗ trợ chi phí vận chuyển và cho nông dân nợ 4 tháng; cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với lãi suất 0%, hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong 30 ngày; đồng thời mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 100 - 300 đồng/kg. Những hỗ trợ, liên kết đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 2 - 7 triệu đồng/ha so với sản xuất riêng lẻ.
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ đã không đủ nguồn lực để thực hiện việc thu mua lúa của nông dân trong CĐL. “Lúa hàng hóa ứ đọng trong lúc nông dân thu hoạch rộ. Nhiều nơi nông dân phải để lúa ngoài đồng cả tuần. Mùa nắng nóng, lúa bốc hơi, giảm trọng lượng nhưng doanh nghiệp lại đến mua với giá lúa tươi”, lãnh đạo của một huyện ở thành phố Cần Thơ bức xúc nói. Thực trạng này đã diễn ra trên địa bàn nhiều năm qua nhưng đến nay chưa được khắc phục. Một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thu mua với nông dân, nhưng thiếu phương tiện thu mua, nông dân phải “treo lúa” ngoài đồng, gây thiệt hại không nhỏ.
Thực tế, quá trình liên kết bao tiêu lúa CĐL giữa doanh nghiệp và nông dân đang phát sinh “bẻ kèo”. Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, tại Ngã Năm (Sóc Trăng) có 4.000ha được ký kết bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân. “Do giá lúa tăng cao vượt giá hợp đồng từ 600 đến hơn 1.000 đồng/kg, tỷ lệ vỡ hợp đồng lên đến gần 50%. Nguyên nhân đổ vỡ: Quan hệ nông dân - doanh nghiệp mới xác lập, doanh nghiệp chưa đủ thời gian tiếp cận nông dân; doanh nghiệp chưa uyển chuyển trong việc điều chỉnh giá ở mức thỏa mãn tâm lý nông dân; việc tổ chức thu mua còn nhiều sơ sót, làm phiền hà nông dân”, kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nhận định.
Một số chuyên gia đã chỉ ra những điểm yếu hiện nay của mô hình CĐL: “Đa số doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo trong nước vào cuộc còn khá chậm, trong khi CĐL chính là điểm xuất phát cho việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu trong tương lai. Một số nông dân không tuân thủ đúng quy trình canh tác được hướng dẫn, chưa áp dụng sạ hàng. Việc ghi chép nhật ký sản xuất, nông dân quan tâm đúng mức. Về nhận thức và quan điểm xây dựng mô hình CĐL vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến việc đầu tư, tổ chức không được quan tâm đúng mức”!
Hiện nay, gần như 100% nông dân bán lúa tươi tại ruộng. Đây là điều rất tệ. Vì bán tại ruộng dễ bị ép giá, khó mặc cả. Chính vì vậy mà chỉ có thể gọi mô hình CĐL hiện nay là trong quá trình hơn “phôi thai một tí”. Cái lợi của mô hình CĐL dễ nhận ra: Giải quyết bài toán lợi nhuận, nông dân và doanh nghiệp đều được lợi. Không gian và điều kiện sản xuất thuận lợi cho việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, giải quyết được vấn đề sau thu hoạch, giúp thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. “Mô hình chuỗi giá trị gạo, gắn nhà máy chế biến với tổ chức CĐL, muốn thành công cần phải có lộ trình, từng bước, từ thấp đến cao, không nóng vội, không theo phong trào, mà phải tỉnh táo dựa vào thực lực, nội tại của từng doanh nghiệp (nhân lực, vốn), có những bước đi thích hợp. Phân kỳ đầu tư không đúng, chi phí nội tại quá lớn, đánh giá không đúng tình hình, dẫn đến lỗ kéo dài, không có nguồn bù lỗ, mô hình sẽ bị phá sản. Mô hình CĐL chỉ là phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã có hiện tượng phong trào CĐL, nhiều nơi thực hiện nhưng đầu ra chưa có địa chỉ cụ thể. Thất bại của các tập đoàn, hợp tác xã hay kinh tế trang trại một thời vẫn còn là một bài học đáng suy ngẫm cho CĐL ngày nay và ngày mai”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) đã đưa ra một khuyến nghị đáng suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, chuyên gia nông nghiệp: Cần chiến lược liên kết vùng Bộ NN-PTNT đã đưa ra mô hình CĐL được xây dựng nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng... CĐL sản xuất lúa mang tính hiện đại hơn, có sản lượng lớn, đồng đều, gia tăng chất lượng lúa gạo, làm nền tảng cho sản xuất lúa theo vùng chuyên canh, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP thông qua liên kết 4 nhà, các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích. Theo tôi, cần xác định rõ vai trò chủ yếu của mỗi đối tác trong quan hệ liên kết để có biện pháp quản lý, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả liên kết. Cần thể hiện mối liên kế 4 nhà, mỗi nhà cần làm tròn vai trò của mình thì mối liên kết mới có hiệu quả cao. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng cơ giới hóa đồng bộ… nhằm tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và giảm phát thải trên CĐL. Chính phủ cần có chiến lược về sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm theo liên kết vùng; bổ sung, sửa đổi một số văn bản pháp luật quy định về điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đầu tư vùng nguyên liệu hoặc phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gắn với vùng nguyên liệu... |
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065