KIỂU MỚI VÀ “BẮT TAY” VỚI DOANH NGHIỆP
BPO - Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, một số hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động năng động, hiệu quả không thua gì doanh nghiệp. Họ không chỉ tổ chức tốt khâu sản xuất sạch mà còn “bắt tay” với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường với mẫu mã đẹp, đồng nhất, giá thành rẻ và chủ động phát triển kênh bán hàng, tham gia tốt thị trường xuất khẩu.
Trợ lực kịp thời cho HTX kiểu mới
HTX kiểu mới là mô hình kinh tế tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, phấn đấu có những HTX quy mô cả trăm ha canh tác; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu bằng uy tín chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là lấy hiệu quả làm gốc chứ không phát triển HTX theo phong trào.
HTX bưởi da xanh Bình Phước, ấp 7, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản đang liên kết 13 thành viên với diện tích đăng ký 200 ha cây ăn trái sản xuất theo quy trình hữu cơ Vietgap hướng tới Globalgap
Đến nay, tỉnh đang xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị 6 sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn như: điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, ca cao, bơ sáp và lúa. Điển hình là HTX Nguyên Khang Garden phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rau thủy canh, doanh thu 10 tỷ đồng/ha/năm. HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 tấn/năm, được đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm hạt điều của Liên hiệp HTX điều Bình Phước tổ chức sản xuất, chăm sóc, cải tạo quy mô 2.900 ha, mang nhãn hiệu Thương mại công bằng quốc tế (FLO), đã và đang xây dựng tiêu chuẩn Organic, Fair Trade của châu Âu và Mỹ...
“Cầu nối” nông dân với doanh nghiệp
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, một số HTX trong tỉnh đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, không chỉ tổ chức tốt khâu sản xuất sạch mà còn chủ động liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ xã viên tiếp cận những chính sách ưu đãi của Nhà nước, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. HTX nông nghiệp Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một điển hình như thế. Thành lập từ năm 2017, đến nay HTX đang liên kết 136 thành viên, trong đó 85% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 543,8 ha sản xuất điều đạt tiêu chuẩn Organic.
Sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác cũ. Ví dụ, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, bịch ni-lon phải thu gom bỏ đúng nơi quy định sau khi sử dụng. Bao bì đựng hạt điều cũng đồng nhất một loại do công ty thu mua cung cấp để tránh lây nhiễm tạp chất. Các chuyên gia nước ngoài sẽ kiểm tra bất kỳ tại các hộ thành viên, nếu sản phẩm hạt điều của vườn nào không đạt sẽ bị đánh bật khỏi HTX và phải làm lại từ đầu, vì vậy tính trung thực của xã viên được đặt lên hàng đầu. Ông Hà Văn Toản, |
Xã viên HTX nông nghiệp Bù Gia Mập đồng lòng chuyển đổi từ trồng điều truyền thống sang hữu cơ. Chấp nhận năng suất thấp hơn, công chăm sóc nhiều hơn nhưng bù lại sẽ có giá bán tốt hơn nhờ HTX đã chủ động liên kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mỗi kilôgam điều có chứng nhận hữu cơ của HTX đang được Công ty cổ phần xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Công ty Việt Hà) ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương mua giá cao hơn 1.000 đồng so với giá thị trường. Kết thúc mùa vụ, nông dân còn được công ty bù giá 500 đồng mỗi kilôgam; cho vay vốn không tính lãi để tái đầu tư chăm sóc vườn điều... Nhờ đó, giảm hẳn tình trạng vay nóng, nợ lãi bên ngoài hay bị tiểu thương ép phải bán điều non với giá thấp, tạo tinh thần phấn khởi, gắn kết xã viên.
Ngoài HTX nông nghiệp Bù Gia Mập, trong Liên hiệp HTX điều Bình Phước còn 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Phước Hưng (Đồng Xoài). Trong đó, HTX Đồng Nai đã dán nhãn thương mại công bằng quốc tế. HTX nông nghiệp Bù Gia Mập sản xuất hữu cơ là bước đi nhanh nhất để sản phẩm được dán nhãn thương mại công bằng của Tổ chức Fair Trade. Qua đó, sản phẩm có thể đi thẳng vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Trong 10 năm trở lại đây, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về quy mô và chủng loại. Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.171 ha cây ăn trái. Đa số diện tích này được ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, đặc biệt là quan tâm phát triển thương hiệu trái cây Bình Phước, điển hình có HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng, HTX bưởi da xanh Bình Phước, HTX cây ăn trái Bàu Nghé...
Bơ sáp Mã Dưỡng không chỉ nổi tiếng trong nước mà nhiều nước ASEAN và thế giới biết đến. HTX đang cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn bơ mỗi năm. Được thị trường TP. Hồ Chí Minh chấp thuận với giá 150 ngàn đồng/kg và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Viện Chính sách, pháp luật và quản lý thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là sản phẩm thương hiệu Việt, đồng thời cấp giấy chứng nhận huy chương vàng và danh hiệu Thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng năm 2015.
Từ năm 2017 đến nay, HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng đã ký kết hợp tác với 1 doanh nghiệp Nhật Bản, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật. Với tiêu chuẩn này, giá bán mỗi kilôgam bơ sáp Mã Dưỡng vào thị trường Nhật 140 ngàn đồng, cao gần gấp đôi so với giá bán tại thị trường nội địa. |
Ông Dương Mã Dưỡng, thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng chia sẻ: “HTX đang mở rộng diện tích lên 50 ha và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm của nông dân trong tỉnh và vùng phụ cận khi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật do HTX đề ra. Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, HTX mở rộng thị trường bằng hình thức mở các đại lý cấp 1 ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để trái bơ trồng tại Bình Phước được nhiều khách hàng khắp nơi biết đến”.
Làm thế nào để “bơi ra biển lớn”?
Thành lập dựa trên nhu cầu muốn liên kết sản xuất để ứng dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và có thêm những thị trường riêng, đặc biệt người tiêu dùng muốn dùng bưởi sạch, chất lượng cao, HTX bưởi da xanh Bình Phước, ấp 7, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản đang liên kết diện tích đăng ký 200 ha cây ăn trái, trong đó chủ lực là cây có múi. Đây cũng là HTX đầu tiên của tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam chọn làm điểm liên kết chuỗi.
“Cầm trên tay trái bưởi, người tiêu dùng quan tâm đến quá trình làm ra sản phẩm đó. Vì vậy, ngoài chú ý mẫu mã đẹp, chất lượng bưởi phải ngon, tép mọng, ngọt, 13 xã viên HTX đang đồng lòng sản xuất theo quy trình hữu cơ Vietgap hướng tới Globalgap. Bưởi được bón hoàn toàn bằng phân gà nuôi trên nền trấu xử lý bằng dòng vi sinh chịu nhiệt chuyển hóa từ vô cơ sang hữu cơ để tập trung chăm sóc bộ rễ khỏe mạnh, tăng độ ngọt cho trái. Mặc dù diện tích bưởi cho trái của HTX mới đạt khoảng 10/200 ha nhưng HTX đã chào hàng và ký hợp đồng bao tiêu với các đối tác lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Sắp tới HTX sẽ đăng ký mã truy xuất nguồn gốc. Đây là “giấy thông hành” để trái bưởi có mặt tại nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước” - ông Đậu Hải Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX bưởi da xanh Bình Phước cho biết.
Nhà nông Nguyễn Hữu Năm, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và là hộ trồng cây ăn trái có tiếng ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng nhận định: “Thời gian gần đây, một số nước đặt tiêu chí khắt khe hơn về các tiêu chuẩn trái cây nhập khẩu. Ngay cả thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc cũng đã yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn chất lượng. Thương lái Trung Quốc đã đến vườn tìm hiểu và đặt vấn đề thu mua trái cây của HTX nông nghiệp Phú Riềng với số lượng lớn. Tuy nhiên, họ yêu cầu trái cây nhập khẩu vào nước họ phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Để có những cơ hội làm ăn lớn, chúng tôi phải tự làm mới mình, sản xuất theo hướng an toàn, về lâu dài sử dụng mã truy xuất nguồn gốc, tránh bị làm giả, làm nhái các sản phẩm của mình”.
Muốn đưa nông sản ra “biển lớn”, trước hết phải có quy mô sản xuất đủ lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm phải đồng đều, ổn định. Ra “biển” lớn thì “sóng” cũng lớn, áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng khắt khe. Vì vậy, HTX phải đồng thời là doanh nghiệp năng động, nhạy bén trước tín hiệu thị trường, không phải với tư duy của nông dân “đi buôn” mà là tư duy của doanh nghiệp.
Với nhu cầu thu mua hàng chục ngàn tấn thì việc một nông dân sản xuất sạch theo hướng nhỏ lẻ hoàn toàn không đáp ứng được cả về sản lượng cũng như giá cả. Vì vậy, nông dân phải liên kết lại thông qua HTX, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất sạch, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc để cung cấp số lượng lớn mà bài toán thị trường đặt ra. Bước vào sân chơi quốc tế và phát triển bền vững, nông sản phải hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của HTX kiểu mới. Đây là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho nông sản trong chuỗi giá trị. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065