BPO - Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2015. Theo đó, một công dân Việt Nam muốn ra nước ngoài để tham quan hay chữa bệnh thì trước hết phải có hộ chiếu và phải được quốc gia đến cấp thị thực. Tuy nhiên, hiện nay hai khái niệm này có rất nhiều người bị nhầm lẫn, thậm chí có người còn nghĩ rằng cứ có hộ chiếu là có thể đi lại giữa các quốc gia mà không cần đến thị thực. Cách hiểu như vậy là hoàn toàn không đúng, vì vậy bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn thế nào là hộ chiếu và thị thực.
Hộ chiếu viết theo ngôn ngữ Anh là Passport và thị thực là Visa. Theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì Hộ chiếu có khái niệm: Hộ chiếu là giấy tờ xác định căn cước của một người, do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho công dân để đi ra nước ngoài và trở lại nước mình dưới sự bảo hộ của nhà nước. Còn Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Nói rộng hơn, thị thực xuất nhập cảnh là một loại chứng nhận quan trọng do chính phủ một nước cấp cho người nước ngoài muốn đến nước họ.
Về công dụng của hộ chiếu và thị thực: Đối với hộ chiếu là để xuất cảnh và nhập cảnh có sự bảo hộ của nhà nước. Hộ chiếu có vai trò như là một loại căn cước để xác định những đặc điểm nhân dạng của một người như: Họ tên, ngày, tháng, năm và nơi sinh, đặc điểm nhận dạng, sự khác biệt người này với người khác. Đồng thời, hộ chiếu cũng có công dụng là giấy tờ chứng minh quốc tịch của chính người có hộ chiếu đó. Còn thị thực là một loại giấy phép cho phép một người xuất nhập cảnh, lưu trú tại một quốc gia, vùng lãnh thổ mà người đó xin cấp.
Về phân loại hộ chiếu và thị thực: Hiện nay ở nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vẫn thường sử dụng ba loại hộ chiếu như sau: Thứ nhất là hộ chiếu phổ thông, loại hộ chiếu này được phổ biến cấp cho mọi công dân Việt Nam. Để có hộ chiếu này, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp và nhận kết quả tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh, thành phố. Thứ hai là hộ chiếu công vụ, loại hộ chiếu này được cấp cho các quan chức chính phủ khi ra nước ngoài thực hiện công vụ của nhà nước giao. Thứ ba là hộ chiếu ngoại giao, loại hộ chiếu này được dành cho những người giữ chức vụ cấp cao trong hệ thống cơ quan của Đảng và Nhà nước từ Bộ trưởng, Thứ trưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh trở lên. Về thị thực cũng có ba loại như sau: Thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh.
Cơ quan cấp hộ chiếu, theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thì hộ chiếu phổ thông do cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp và nhận kết quả tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố. Hộ chiếu công vụ và ngoại giao do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại cấp. Còn ở nước ngoài là do cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp. Về cấp Thị thực, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam được xác định theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như sau: Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự), cấp, sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ thị thực cho người nước ngoài hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự (bao gồm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và tại nước thứ ba, và thân nhân, người giúp việc cùng đi); Cấp phép nhập cảnh Việt Nam cho các khách nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và khách mời cấp tương đương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), cấp, sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ thị thực và cấp phép nhập cảnh cho các đối tượng khác có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời, đón. Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp, bổ sung, sửa đổi và hủy bỏ thị thực theo phép nhập cảnh của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an; Quyết định việc cấp thị thực cho người nước ngoài không có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời, đón.
Về thời điểm cấp hộ chiếu và thị thực, đối với hộ chiếu là giấy tờ có trước và là một trong những tài liệu quan trọng, cần để được cấp thị thực. Thông thường, thị thực thường được cấp bằng cách đóng dấu hoặc dán vào hộ chiếu tùy theo quy định của các nước khác nhau. Tại Việt Nam, thị thực được cấp bằng cách đóng dấu vào hộ chiếu của người xin nhập cảnh vào Việt Nam.
KT (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065