Thế nào là chứng cứ?
Theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, thì: Chứng cứ là là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Như vậy, so với quy định trước đây, khái niệm về chứng cứ trong BLTTHS 2015 đã mở rộng chủ thể sử dụng chứng cứ khi không quy định chỉ giới hạn “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án” mới có quyền này. Với quy định này đảm bảo quyền tham gia của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác vào quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể là việc tham gia sử dụng chứng cứ, và cả việc kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ.
Dựa trên khái niệm trên cho thấy, chứng cứ có các đặc điếm sau: Chứng cứ là có thật, bảo đảm tính khách quan; chứng cứ có tính hợp pháp; chứng cứ phải liên quan đến vụ án. Như vậy, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ không được xem là chứng cứ.
Nguồn chứng cứ là gì?
Hiện nay, chưa văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm cụ thể như thế nào là nguồn chứng cứ. Tại Khoản 1, Điều 87 của BLTTHS 2015, mới chỉ liệt kê các chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn sau đây: Vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.
Trong thực tế cuộc sống cho thấy, vật chứng rất đa dạng, có thể là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, thậm chí là tiền,… có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Nói tóm lại, vật chứng trước tiên phải tồn tại ở dạng vật chất, phải liên quan chặt chẽ và phản ánh được những sự kiện khách quan của vụ án hình sự. Trong các nguồn chứng cứ, có thể nói vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng nhất.
Về lời khai, lời trình bày: Theo quy định lời khai được dùng làm chứng cứ cũng rất đa dạng, nhưng quan trọng nhất vẫn là lời khai của bị cáo, bị hại (nếu có), người làm chứng,… So với vật chứng, lời khai mang tính chủ quan và chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Do vậy, trong nhiều vụ án, việc chỉ đánh giá lời khai mà đưa ra quyết định có hay không hành vi tội phạm, đôi khi sẽ mang tính chủ quan và rất dễ dẫn đến oan sai. Lời khai ban đầu do cơ quan điều tra thông qua các biện pháp nghiệp vụ mà có được, sau đó trong quá trình xét xử toà án tiếp tục kiểm tra tính hợp pháp của nguồn chứng cứ này.
Về dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Nhìn chung, loại chứng cứ này thường chỉ xuất hiện trong các vụ án liên quan đến công nghệ thông tin, việc thu thập loại chứng cứ cũng đòi hỏi nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.
Đối với kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định. Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật Tố tụng có thể được coi là chứng cứ.
Về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác: Do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án. Và đối với các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án: Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 BLTTHS 2015 thì được coi là vật chứng.
Như vậy, so với BLTTHS 2003, quy định mới đã bổ sung thêm 3 chứng cứ gồm: Kết luận giám định; Kết luận định giá tài sản; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Điều này là cần thiết trong bối cảnh tội phạm phát triển ngày càng tinh vi, phức tạp và đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tuy nhiên, những gì “có thật” được liệt kê như trên nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Điều này cho thấy, chứng cứ có một vai trò quan trọng, thông qua đó cơ quan tư pháp tìm ra sự thật của vụ án, góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
M.Quang (Đoàn luật sư tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065