KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HOẠT ĐỘNG MANH MÚN
CÓ CHẠY ĐUA THEO CHỈ TIÊU?
Hằng năm, trong chương trình hoạt động của tổ chức đoàn, hội LHTN đều chỉ đạo các đơn vị cấp huyện tích cực vận động thanh niên thành lập thêm các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển kinh tế. Mặt khác, để bảo đảm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng cần có tiêu chí về kinh tế tập thể. Do đó, thị xã Bình Long đang là đơn vị dẫn đầu về số lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể thanh niên với 1 hợp tác xã và 16 tổ hợp tác. Huyện Đồng Phú duy trì 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác. Huyện đoàn Bù Đốp có 1 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác. Hớn Quản có 4 tổ hợp tác. Đồng Xoài duy trì 1 hợp tác xã từ trước và phát triển thêm 1 hợp tác xã mới, 1 tổ hợp tác. Còn lại các huyện, thị xã khác chỉ duy trì 1-2 tổ hợp tác.
Tuy thế, khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu một số hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển hiệu quả đều nhận được những cái lắc đầu của thủ lĩnh đoàn cấp huyện. Theo lý giải của các anh chị, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế trên danh nghĩa của thanh niên nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc chỉ duy trì cầm chừng, thậm chí một số chỉ “hữu danh vô thực”. Có hợp tác xã, chủ nhiệm là thanh niên nhưng phần đa thành viên là nông dân, hội viên của đoàn thể khác. Song cũng có một số khác, thanh niên chỉ là thành phần trong tổ hợp tác, hợp tác xã do đoàn thể khác đứng tên thành lập.
Từ năm 2017, anh Vương Ngọc Toại (bên trái) học tập cách làm mây tre đan để định hướng cho thanh niên huyện Đồng Phú thành lập tổ hợp tác nghề nghiệp nhưng vẫn gặp khó
Chúng tôi đến Huyện đoàn Đồng Phú tìm hiểu các mô hình kinh tế tập thể thanh niên. Anh Vương Ngọc Toại, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện thừa nhận, toàn huyện có trên 100 đội, nhóm thanh niên phát triển kinh tế nhưng quyết định thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thì không có. Trong khi đó, cán bộ Thành đoàn Đồng Xoài cũng cho rằng, việc thành lập hợp tác xã phải bỏ vốn điều lệ lớn, đóng thuế cao nhưng hiệu quả hoạt động không đáp ứng đủ. Do vậy, một số hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn ghi danh trên báo cáo song thực tế đã chuyển đổi hình thức hoạt động.
Hiện nay, nhiều tổ hợp tác kinh tế thanh niên trên địa bàn hoạt động không hiệu quả, thậm chí rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và trên đà tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn duy trì tên gọi trên báo cáo.
THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM “MẠNH AI NẤY LÀM”
Hoạt động hiệu quả và tạo hiệu ứng tốt trong các thành viên, Tổ hợp tác nghề nghiệp thanh niên phường An Lộc, thị xã Bình Long luôn thực hiện tốt phương châm “thủ lĩnh đam mê, trách nhiệm; thành viên đoàn kết cộng đồng giúp đỡ nhau”. Bởi vậy, để duy trì tháng nào cũng có nguồn hàng cho thành viên tổ, anh Vũ Thanh Lượng, Chủ nhiệm tổ hợp tác đã không ngừng kết nối các cơ sở xây dựng trong địa bàn thị xã Bình Long, đồng thời giữ mối với các khách hàng cũ. Anh Lượng cho biết: Khi người đứng đầu đam mê, có trách nhiệm; các thành viên trong tổ không thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm” thì tổ hợp tác sẽ duy trì bền vững và tăng cường thêm khối đại đoàn kết anh em. Nâng cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, thành viên Tổ hợp tác nghề nghiệp thanh niên phường An Lộc còn thực hiện gây quỹ để cùng giúp nhau lúc khó khăn.
Là địa bàn tổ chức tốt các tổ hợp tác kinh tế thanh niên, anh Nguyễn Văn Cần, Phó bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thị xã Bình Long cho biết: Tình nguyện tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, song nhiều thành viên chưa hiểu rõ bản chất về mô hình nên khó kết nối tập thể; đồng thời chưa hỗ trợ và tương tác tốt và các thành viên vẫn cứ “mạnh ai nấy làm” nên dẫn đến hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời đại công nghệ hiện nay cũng khiến kinh tế tập thể thanh niên nông thôn bị ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua, trên địa bàn có một số mô hình kinh tế tập thể của thanh niên ban đầu hoạt động mạnh, song một thời gian ngắn rơi vào trì trệ và tạm ngưng hoạt động.
Anh Vương Ngọc Toại chia sẻ thêm: Địa bàn đặc thù có 2 khu công nghiệp lớn, thanh niên huyện Đồng Phú phần đông xin vào làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Số khác ở nhà phụ gia đình làm kinh tế. Họ ít quan tâm tới các mô hình kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, thanh niên nông thôn không có vốn, lại thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh đầu tư sản xuất riêng nên việc tập hợp thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã phát triển kinh tế rất khó. Mặt khác, trên địa bàn huyện dù có nhiều mô hình kinh tế hộ cá thể nhưng phần đông thanh niên vẫn đang “mạnh ai nấy làm”, không tương tác liên kết hỗ trợ nhau nên đến nay Đồng Phú vẫn đang loay hoay trong việc thành lập loại hình kinh tế tập thể thanh niên.
Có thể nói thời gian qua, nhiều tổ chức, cơ sở đoàn, hội LHTN đang chạy theo chỉ tiêu trên giao nên chất lượng kinh tế tập thể thanh niên chưa hiệu quả. Thanh niên sau khi vào tập thể kinh tế vẫn đang phải “tự bơi” nên dẫn tới tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065