BP - Hiện 6 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất KCN Bắc Đồng Phú là có chợ hoạt động. Nhờ vậy, đời sống công nhân trong khu vực đã được cải thiện đáng kể, giảm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư chợ này đã “thông báo miệng”, tăng tiền “cọc” thuê sạp gấp 10 lần so với 3 năm trước. Chính điều này đã khiến hàng chục tiểu thương đang buôn bán tại khu chợ như “ngồi trên đống lửa” nhiều tuần nay mà không biết kêu ai.
VẬN ĐỘNG TIỂU THƯƠNG VÀO CHỢ
KCN Bắc Đồng Phú hiện có hơn 20.000 công nhân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc. Trong đó có hơn 6.000 công nhân thuê trọ tại thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) và xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). Trước đây, công nhân phải đến chợ Đồng Phú để mua sắm. Một số tiểu thương lấn chiếm lòng, lề đường để bán hàng cho công nhân, gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự ở KCN. Mặt khác, tình trạng buôn bán tự phát và xả rác bừa bãi trước cổng KCN gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Các tiểu thương ở chợ KCN Bắc Đồng Phú phản đối việc đơn vị xây dựng chợ đơn phương tăng giá
Năm 2011, Công ty TNHH cầu đường Trọng Khoa (Đồng Xoài) được phép xây dựng chợ trong KCN Bắc Đồng Phú. Theo thiết kế, chợ được chia thành ba khu, gồm khu nhà lồng ở chính giữa; khu ki-ốt sát mặt đường và khu phòng trọ cho công nhân phía sau chợ. Trên thực tế, khu chợ do 3 cá nhân đã bỏ tiền xây dựng và quản lý, cho tiểu thương thuê mặt bằng độc lập theo sự thỏa thuận của các bên. Sau khi hoàn thành, UBND xã Tiến Hưng và nhà đầu tư mời gọi tiểu thương vào chợ buôn bán.
Bà Đ.T.D, tiểu thương tại chợ cho biết: “Trước đây, chúng tôi bán dạo trong KCN nên không ổn định, lại gây mất trật tự. Do đó khi được mời gọi vào khu nhà lồng để kinh doanh thì hầu hết tiểu thương đều ủng hộ vì có nơi buôn bán ổn định. Chúng tôi ký hợp đồng thuê sạp với chủ đầu tư trong thời hạn 3 năm với giá hợp lý. Khi hết hợp đồng hai bên cùng thương lượng để ký hợp đồng tiếp”.
“QUEN MẶT ĐẮT HÀNG”
Ngày 10-10 vừa qua, hợp đồng thuê sạp lần thứ nhất tại chợ này hết thời hạn. Theo điều 2 ghi trong hợp đồng thuê sạp thì sau khi hết hạn hợp đồng, hai bên tính toán lại giá thuê sạp cho phù hợp với thực tế và tiếp tục ký hợp đồng. Tuy nhiên, một trong 3 chủ đầu tư xây dựng chợ đã “lật kèo” và ép tiểu thương phải ký vào một bản hợp đồng mới với giá thuê sạp đắt gấp 10 lần so với hợp đồng cũ mà không có sự thương lượng, thỏa thuận của hai bên. Theo “thông báo miệng” của Công ty TNHH xây dựng Trọng Khoa, người đại diện là bà Hoàng Thị Hà, nếu tiểu thương không ký hợp đồng thì phải trả lại mặt bằng.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2013, bà Hà cho thuê một sạp có diện tích 10m2 (sạp mặt trong) với giá 400 ngàn đồng/tháng. Giá thuê sạp này được tính lại mỗi năm một lần (hiện nay tiền thuê sạp dãy trong là 800 ngàn đồng/sạp, dãy ngoài 200 ngàn đồng/sạp). Tiền điện, nước chủ sạp phải thanh toán 3.500 đồng/kWh điện và 7.000 đồng/m3 nước. Ngoài ra, người thuê sạp phải đóng 2 triệu đồng tiền giữ chỗ và được trả lại sau khi hết hợp đồng. Theo yêu cầu mới của ông Trần Hải (chồng bà Hà), người thuê sạp trong chợ phải đóng 10 triệu đồng, sạp mặt tiền 20 triệu đồng thì mới được ký hợp đồng mới. Ngoài ra, hằng tháng tiểu thương phải đóng tiền thuê sạp và một số khoản tiền khác theo quy định do chủ đầu tư đưa ra.
Bà N.N.M tiểu thương bán ở chợ nói: “Vào đầu tháng 10, ông Hải cho người quản lý chợ thông báo giá thuê sạp mới. Khi chúng tôi điện thoại cho ông Hải để hỏi lý do và yêu cầu hai bên thương lượng thì ông này không đồng ý. Ông Hải nói: “Giá vậy đó, thuê được thì thuê, không có tiền thì trả lại sạp. Không ai thuê để sạp cho chuột ở cũng được” rồi ông tắt điện thoại”.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Hải cho rằng: “Việc tăng giá sạp mà các tiểu thương phản ánh là đúng. Sở dĩ tăng giá là vì đã ưu tiên cho các tiểu thương 3 năm nay rồi. Hiện nay, một số sạp mặt tiền tiểu thương sang nhượng lại cho nhau giá 40-50 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chúng tôi cho thuê 10-20 triệu đồng/sạp ăn thua gì?”.
“TRỜI MƯA ĐẤT CHỊU”
Hầu hết tiểu thương tại chợ chỉ buôn bán quần áo, tạp hóa và rau, củ, quả hay thực phẩm nhỏ lẻ. Hằng ngày, họ chỉ bán được từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ vào thời điểm công nhân tan tầm. Trước đây, tiểu thương ít nên buôn bán cũng thuận lợi. Hiện nay, người bán nhiều, công nhân cũng ít tăng ca nên buôn bán ế ẩm. Việc ông Hải tăng tiền ký hợp đồng thuê sạp khiến hàng chục tiểu thương rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi, các tiểu thương ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. 3 năm qua, họ đã vay mượn tiền để đầu tư hàng hóa, các dụng cụ buôn bán. Chưa kịp hoàn vốn thì nay đang đứng trước nguy cơ phải bỏ chợ ra đứng đường, vì không có tiền đóng “một cục” cho chủ chợ.
Bà N.N.M, nhà ở thị xã Đồng Xoài kinh doanh củ, quả từ những ngày đầu họp chợ cho biết: “Tôi buôn bán ở đây phục vụ công nhân, mỗi ngày bán được vài chục ký củ, quả nên lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Với giá thuê sạp cũ tôi còn kiếm được chút tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Nay họ tự ý tăng giá tôi khó chấp nhận được. Ít nhiều tiểu thương ở đây cần một cuộc họp giữa hai bên để thương lượng giá. Nếu ông Hải không hạ giá thuê sạp, một là chúng tôi phải ra ngoài buôn bán, hai là nâng các giá mặt hàng lên để bù tiền vào đóng cho chủ chợ. Như vậy, cuối cùng rồi cái khổ cũng đổ lên vai tiểu thương và công nhân”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065