Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, người thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2014 trước UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm việc chi ngân sách nhà nước (NSNN). Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thực sự cấp thiết, sắp xếp, bố trí các nhiệm vụ chi thường xuyên theo thứ tự ưu tiên để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao cũng như bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Do vậy, chi NSNN năm 2014 đã bảo đảm theo dự toán được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thay mặt Thường trực Ủy ban đánh giá cao công tác quản lý, sử dụng NSNN đã được Chính phủ và các cơ quan, đơn vị thực hiện, tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ NSNN trong năm 2014.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng NSNN, đặc biệt là tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí.
Thảo luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu đề nghị, việc xử lý tài chính là tương đối lớn, nhưng kết quả thu hồi chưa cao. Đây là điều phải kiên quyết khắc phục, ở đâu có sai phạm, gây thất thoát ngân sách thì phải kiên quyết thu hồi. Khẳng định báo cáo của Chính phủ đã rõ ràng, nhưng Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng, báo cáo cần bổ sung thêm, biểu dương những cơ quan, đơn vị đạt thành tích cao trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để “lấy cái tốt át dần cái chưa tốt”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao chủ trương không mua xe công để tiết kiệm, nhưng cũng lưu ý về việc sử dụng xe cũ có thể khiến chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tăng lên. Nhắc tới chủ trương quản lý xe công theo hình thức tập trung mà Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành nghị định, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây sẽ “là bước đột phá trong quản lý xe công”, vì “bây giờ, cơ quan nào cũng khoán xe công nhưng không hiệu quả”.
Cần giải thích minh bạch con số bội chi
Cũng trong chiều 11-5, UBTVQH cho ý kiến với các báo cáo về quyết toán NSNN năm 2013.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, tổng thu NSNN là 816.000 tỷ đồng, tổng chi NSNN là 978.000 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Sau đó, mức bội chi NSNN được Quốc hội điều chỉnh là 195.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP theo Nghị quyết số 54/2013/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, con số bội chi quyết toán là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.
Số bội chi tăng thêm được giải thích là do tăng chi từ vốn ngoài nước 29.422 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến, có 5.773 tỷ đồng giải ngân từ năm trước, sang năm 2013 đủ thủ tục ghi thu ghi chi vào NSNN theo quy định; tăng chi trả nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước giảm 1.343 tỷ đồng, nên mức tăng bội chi NSNN là 41.269 tỷ đồng.
Số bội chi này được bù đắp bằng số vay trong nước là 180.347 tỷ đồng, vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng. Tính đến 31-12-2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5%; trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Kiểm toán Nhà nước cũng thống nhất với báo cáo của Chính phủ về con số bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP, vượt 1,3% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhận định việc tăng bội chi so với mức báo cáo Quốc hội thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn ý kiến của đa số thành viên ủy ban cho rằng, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý. Việc tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, song Chính phủ chưa báo cáo UBTVQH là chưa phù hợp với khoản 2, Điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước, tuy nhiên, đây là số đã phát sinh. Từ đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán cả hai khoản nêu trên.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần chú ý đến con số bội chi 6,6% và giải trình cho rõ ràng, minh bạch hơn. Về con số vay đảo nợ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ con số vay để đảo nợ hằng năm, vì đảo nợ hằng năm nghĩa là vay để trả nợ luôn, chứ không phải “vay để làm ăn”.
Dấu hiệu khởi sắc của kinh tế
Thảo luận về báo cáo bổ sung của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, sáng cùng ngày, các ủy viên UBTVQH đều đánh giá cao kết quả mà Chính phủ đã đạt được, cho rằng đó là tín hiệu mừng, là dấu hiệu tốt, khởi sắc của nền kinh tế nước nhà. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 10 chỉ tiêu cao hơn con số ước tính đã báo cáo trước Quốc hội.
Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,98%, chỉ tiêu được giao là 5,8% và số đã báo cáo Quốc hội là hơn 5,8%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,7%, chỉ tiêu được giao là 10% và số đã báo cáo Quốc hội là 12,1%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 2,1%, tương đương với xuất siêu 2,1 tỷ USD, chỉ tiêu được giao là tăng 6% và số đã báo cáo Quốc hội là giảm 1,01%. Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt 31%, chỉ tiêu Quốc hội giao là 30%, con số đã báo cáo Quốc hội là 30,1%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%, chỉ tiêu được giao là 7%, số đã báo cáo Quốc hội là 4,5-4,6%. Tạo việc làm cho 1,6 triệu người, chỉ tiêu được giao là 1,6 triệu người, số đã báo cáo Quốc hội là 1,58 đến 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,4%, chỉ tiêu được giao là dưới 4%, số đã báo cáo là 3,48%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt 1,8-2,0%, chỉ tiêu được giao là 1,7-2,0%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 14,5%, chỉ tiêu được giao là dưới 15,5%, số đã báo cáo là 15%. Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường, chỉ tiêu được giao là 22,5 giường, số đã báo cáo là 23 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý thực hiện là 87,5%, chỉ tiêu được giao là 85%, số đã báo cáo là 86%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 84%, chỉ tiêu được giao và số đã báo cáo đều là 80%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%, bằng chỉ tiêu được giao và số đã báo cáo.
Chỉ có duy nhất chỉ tiêu tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo không đạt yêu cầu do Quốc hội giao. Tỷ lệ Quốc hội giao là 52%, nhưng thực tế chỉ đạt được 49%.
Đây là ngày làm việc đầu tiên của UBTVQH tại Phiên họp thứ 38. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển nội dung thảo luận cả ngày 11-5.
Ngày 12-5, UBTVQH tiếp tục làm việc.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065