>> Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành điều (Bài 1)
Bài cuối: Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến
TÍN HIỆU VUI TỪ THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Đặng Hoàng Giang cho biết, tại Đại hội Hạt và trái cây khô thế giới, Tổ chức Điều toàn cầu (GCC), trong 2 phiên làm việc về hạt điều và 9 phiên làm việc về các loại hạt, trái khô khác, các đại biểu đã đánh giá về sản lượng điều toàn cầu niên vụ 2015-2016; sự mất cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng về nguyên liệu (5%/năm) với tốc độ gia tăng công suất chế biến điều ở Việt Nam và Ấn Độ (8-10%). Các đại biểu cho rằng, việc sản xuất bằng máy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng hạt điều thô. Do vậy, phải có bộ tiêu chuẩn quốc tế cho điều thô, nhất là điều nhập khẩu từ châu Phi. Về vấn đề chế biến điều tại châu Phi, các đại biểu cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm thuận lợi bởi chi phí cao hơn nhiều so với chế biến tại Việt Nam và Ấn Độ.
Kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến để xây dựng thương hiệu điều Bình Phước (Ảnh: Công nhân của một DN ở thị xã Đồng Xoài tách vỏ điều)
Trong khi nhu cầu tiêu thụ hạt toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, nhất là thị trường Mỹ và các quốc gia châu Âu thì sản lượng các loại hạt đối trọng của hạt điều như hạnh nhân, hạt phỉ, dẻ cười, óc chó... đều giảm do biến đổi khí hậu. Khách hàng Mỹ rất quan tâm đến chất lượng điều nhập khẩu và việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Mỹ đang dự kiến sẽ đầu tư nhà máy ở Việt Nam để tập trung nguồn hàng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng FDA.
Tại đại hội, một khách hàng lớn của Bắc Mỹ đã đề nghị hiệp hội cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa cho hàng đạt tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ để tạo niềm tin cho khách hàng đối với hạt điều Việt Nam.
Một số khách hàng Mỹ và châu Âu dự báo, nếu thị trường không có những diễn biến bất ngờ thì giá nhân điều năm nay duy trì ổn định trên dưới 3,6 USD/lb (một lb = 0,45359237kg). Các khách hàng lớn của Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ đều rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, trong khi thị trường nguyên liệu trong nước rất khó khăn. 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 197,5 ngàn tấn, tăng 175,74% về lượng so với cùng kỳ 2014. Theo ghi nhận của Vinacas, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu điều thô tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp phải trực tiếp qua châu Phi mua điều. Riêng ở Bờ Biển Ngà, do nhu cầu mua điều thô tăng và sự tham gia của quá nhiều các nhà thương mại, môi giới đã làm cho cạnh tranh mua bán điều tại châu Phi đang rất nóng.
Với lượng tồn kho các loại hạt (trong đó có hạt điều) của Bắc Mỹ, châu Âu 6 tháng đầu năm 2015 khá thấp, cộng với nhu cầu tiêu thụ hạt toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, trong khi Ấn Độ lại đang mất cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ điều (đã có trên 70% cơ sở chế biến điều của Ấn Độ đóng cửa) dự báo thị trường điều sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm nay.
NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐIỀU BỀN VỮNG
Để từng bước xây dựng và phát triển điều bền vững, giai đoạn 2014-2017, ở Bình Phước có gần 1.000 nông dân tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật ghép điều. Vinacas cũng xác định nguồn gốc chồi ghép, nghiên cứu quy trình thâm canh, quy trình ghép cải tạo và bình tuyển cây đầu dòng.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt hỗ trợ hiệp hội 1 tỷ đồng cho dự án khuyến nông ghép cải tạo vườn điều. Trong khi chờ đợi, hiệp hội đã thuê chuyên gia đánh giá độc lập kết quả dự án và triển khai các điểm ghép cải tạo. Theo đó, Bình Phước có 40 điểm ghép, Đồng Nai 20 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu 10 điểm, Bình Thuận 10 điểm, Lâm Đồng 20 điểm. Việc lựa chọn các điểm dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất, nông dân trồng điều ở vùng sâu, xa hoặc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, tự nguyện tham gia các dự án khuyến nông của Vinacas, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dự án. Thứ ba, vườn điều năng suất thấp và có nhu cầu cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng.
Để từng bước phát triển điều bền vững, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas đề nghị: Bình Phước cần sớm triển khai 40 điểm ghép cải tạo, rà soát và công nhận những cây điều “ưu tú” để lấy chồi ghép. Là tỉnh trọng điểm phát triển điều của cả nước, Bình Phước có nhiều lợi thế trong sản xuất và kinh doanh điều. Vì vậy, cần có định hướng phát triển, quy hoạch rõ ràng và có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp điều.
Chủ tịch Vinacas cũng đề nghị, Bình Phước quan tâm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở chế biến, lò chẻ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng quốc tế. Sắp tới tổ chức FDA của Mỹ sẽ qua khảo sát một số cơ sở chế biến điều của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vì vậy, việc quản lý chất lượng là tiền đề quan trọng để Bình Phước xây dựng thương hiệu điều và chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước. Hiệp hội đang chuẩn bị lấy ý kiến của các địa phương về việc chuyển đổi Quỹ Hợp tác quốc tế điều thành Quỹ Phát triển điều bền vững trên cơ sở các nguồn thu từ xuất khẩu để phục vụ cho sản xuất trong nước, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chế biến điều trong khuyến nông, xúc tiến thương mại, khoa học - công nghệ, kích cầu tiêu dùng điều trong nước.
M.Luận-T.Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065