Những thước phim tư liệu này miêu tả sống động về Việt Nam từ những năm 60-70 của thế kỷ trước
Giáo sư Gunter Giesenfeld, Chủ tịch Hội hữu nghị Đức-Việt, người đã từng trực tiếp quay một số bộ phim, sưu tập những cuốn phim này cho biết: 200 cuốn phim nêu là những tư liệu quý giá về Việt Nam, phần lớn được quay từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, trong đó có cả những bộ phim truyện chưa từng được công chiếu. Hội Hữu nghị Đức-Việt đã thu thập, tiếp nhận những thước phim này qua các Festival phim, hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, hoạt động ngoại giao…
Những thước phim tư liệu này miêu tả sống động cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam, các phong trào phản chiến cũng như công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước của người dân Việt Nam sau chiến tranh. Việc phổ biến những thước phim trên sẽ góp phần đưa ra cái nhìn khách quan, chân thực hơn về Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; nỗ lực của người dân Việt Nam dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu, hăng say trong lao động, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho rằng những thước phim này sẽ góp phần bổ sung, làm dày thêm kho lưu trữ hình ảnh động quốc gia. Hoạt động này cũng đánh dấu bước hợp tác, hỗ trợ hiệu quả giữa các tổ chức, hội nghề nghiệp của hai nước Đức-Việt; khẳng định mối giao hữu bền vững, đoàn kết được xây đắp qua nhiều thời kỳ, đã gặt hái nhiều thành công.
Điện ảnh là một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, là bộ sưu tập đặc biệt của lịch sử và cuộc sống con người. Các viện phim thu thập, lưu giữ những bộ sưu tập đặc biệt đó cho các thế hệ hiện tại, tương lai. Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, việc trao đổi, tìm kiếm, thu thập và gìn giữ những bản phim gốc, sưu tầm phim thất lạc càng trở nên có ý nghĩa.
Viện trưởng Viện phim Việt Nam Đào Quốc Hùng cho biết đây là lần đầu tiên Viện tiếp nhận một số lượng lớn phim nguyên bản từ Đức chuyển về. Hơn 200 phim tài liệu, phim truyện là một bộ sưu tập đồ sộ, trong đó có những phim rất quý hiếm như “Du kích Củ Chi”, “Một ngày ở Hà Nội”…
Trước khi tiếp nhận chính thức, Viện đã cử cán bộ sang Đức để khảo sát, đánh giá chất lượng, nội dung các bản phim. Đáng nói là trong số những bản phim được trao tặng, có một số bản Việt Nam cũng đã có, tuy nhiên chất lượng các bản phim của chúng ta không tốt bằng.
Viện phim Việt Nam là nơi lưu giữ bộ sưu tập tư liệu hình ảnh động quốc gia. Hiện Viện đang quản lý 2 kho lưu trữ lớn tại Hà Nội và TPHCM với gần 90.000 cuốn phim nhựa, khoảng 30.000 phim sản xuất trên các chất liệu khác (gồm các tác phẩm điện ảnh, những tư liệu hình ảnh động của điện ảnh Việt Nam và nước ngoài). Số phim đó được tu sửa và xử lý kỹ thuật thường xuyên hằng năm. Bên cạnh đó, Viện đã tiến hành số hoá các phim lưu trữ để thuận lợi cho hoạt động khai thác, phát hành nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các bộ phim chỉ có một bản.
Thành lập vào năm 1976, gần 40 năm qua, Hội hữu nghị Đức-Việt đã sưu tầm, lưu giữ, bổ sung, tiếp nhận chuyển giao, sử dụng có hiệu quả những cuốn phim về Việt Nam. Rất nhiều hình ảnh trong các cuốn phim đó đã được phát trên đài truyền hình của Đức và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Hội đã tổ chức lồng tiếng; thành lập “dịch vụ phim Việt Nam” để đáp ứng nhu cầu sưu tập, trình chiếu, tìm hiểu của nhiều tổ chức, cá nhân.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065