Xuân Giáp Ngọ đã về. Trong đất liền, mọi người quây quần chờ đón giao thừa. Giữa trùng khơi Tổ quốc, những người lính hải quân Trường Sa, nhà giàn DK1 vẫn chắc tay súng canh giữ biển đảo cho nhân dân cả nước đón tết yên bình. Giữa trùng dương, trong phút giây lặng lẽ, đôi mắt các anh luôn dõi về đất mẹ, chờ đón bóng dáng những con tàu.
Các chiến sĩ nhà giàn DK1 đón quà xuân từ đất liền
Chiến sĩ nhà giàn DK1/15 gói bánh chưng đón tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
“Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, chiến sĩ Trường Sa. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”. Giữa mênh mông biển cả, giữa trời đất giao hòa, trong giờ khắc thiêng liêng, đứng gác nghe từng ca từ ấy thấm vào gan ruột.
Ai đã từng đến Trường Sa chạm tay vào cột mốc chủ quyền, ai đã vượt sóng đến nhà giàn DK1 rồi leo lên hệ thống cầu thang dốc cao trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt sóng to gió lớn mới hiểu hết được sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ và hiểu hơn ý nghĩa cao cả, sứ mệnh lớn lao, niềm tự hào của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Tên các anh đã tạc vào lịch sử
Năm 1990, nhà giàn Phúc Tần 3 bị chìm theo 9 cán bộ, chiến sĩ vào lòng biển. Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã nhường áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi thả mình với sóng, để lại quê nhà người vợ mới đính hôn cùng lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy sẽ về làm lễ cưới.
Đêm 23 tết Nguyên đán năm 1991, cơn bão lốc bất ngờ nhấn chìm tàu HQ-666 ở vùng biển Tư Chính. Máy trưởng Lê Tiến Cường buộc dây mồi quanh người, lao xuống biển trong đêm đen bơi ra cứu xuồng và đồng đội đang trôi mỗi lúc một xa. Và chính đêm 23 tết ấy, Lê Tiến Cường và thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Tháng 12-1998, trong bão tố, nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị nhấn chìm, mang theo 3 chiến sĩ xuống biển sâu. Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi 30, chưa kịp thổ lộ tình yêu với người bạn gái, để lại quê nhà cha mẹ già cùng em gái bé bỏng Út Hồng. Liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ ở Ninh Bình, con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Liệt sĩ Lê Đức Hồng mãi mãi nằm lại lòng biển, ấp ủ những lá thư màu tím kết bạn trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền. Để kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương, các anh chẳng tiếc tuổi thanh xuân, quên mình vì biển đảo. Trung úy, liệt sĩ Nguyễn Văn Phương trước họng súng quân thù hô vang “Hãy để máu của mình nhuộm đỏ lá cờ truyền thống của quân chủng hải quân” rồi ngã vào lòng biển. Trung úy, liệt sĩ Đinh Văn Nam ở Lữ đoàn 125 Hải quân đã dũng cảm cứu tàu tránh mắc cạn, để rồi quên mình giữa đảo Phan Vinh B - những câu chuyện về 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988... Máu đào của các anh đã hòa vào biển cả, xương cốt của các anh nằm lại đáy san hô, tên các anh đã tạc vào lịch sử, để thanh niên cả nước tự hào về các anh - những người lính hải quân quên mình vì dân, vì nước. |
NHỮNG CÁNH CHIM TUNG TRỜI BẠT GIÓ
Chiến tranh hay thời bình, nỗi vất vả gian truân bao giờ cũng đặt lên vai người lính, nhưng sự vất vả gian lao của người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 được tính bằng máu xương và không bao giờ nói hết bằng lời. Những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 mang theo dáng hình Tổ quốc. Trên đôi vai là trọng trách là chủ quyền biển đảo, là nhiệm vụ Đảng giao, là niềm tin của nhân dân cả nước gửi gắm.
Trong niềm vui của mùa xuân mới, những người lính nhà giàn DK1 không quên những tháng ngày gian khổ, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, lăn lộn với biển cả, đối mặt với bão tố để mỗi nhà giàn DK1 mãi là thế đứng Việt Nam trên thềm lục địa. Nhiều chiến sĩ đã gác lại bao ước mơ hoài bão, hy sinh tuổi thanh xuân của mình để dấn thân nơi đầu sóng.
Đón xuân phía chân trời Tổ quốc, những người lính Trường Sa có những niềm riêng của lính đảo xa nhà. Đá san hô có thể làm chân toạc máu, nắng gió có thể làm áo bạc màu, vết tỳ của đá có thể làm vai hằn sâu, nhưng tình yêu biển, đảo thì cao hơn hết thảy. Hàng ngàn lần chuyển đá từ tàu vào xây đảo, hàng trăm lần cứu ngư dân gặp nạn, nhiều đêm trắng cùng đồng đội đồng cam cộng khổ chống bão... Trong gian khổ mới thấy đức hy sinh, giữa ngàn khơi càng thấy yêu Tổ quốc. Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng mà chủ quyền của nó không thể tách rời. Đó là máu thịt của dân tộc Việt Nam được kiến tạo qua hàng ngàn năm lịch sử. Ở đó, mỗi tấc đảo, mỗi ngọn sóng đều thấm máu của chiến sĩ hải quân, đều mang khát vọng hòa bình.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà lính hải quân được ví như những cánh chim tung trời bạt gió. Để có sức khỏe và nghị lực dẻo dai, họ không ngừng rèn luyện, mài sắc ý chí sắt đá “khó khăn chẳng sờn lòng, gian lao không chùn bước, còn biển còn nhà giàn, giữ Trường Sa bằng trái tim người lính”. Điều đó như một mệnh lệnh thiêng liêng khắc sâu trong tim mỗi người lính hải quân Trường Sa, nhà giàn DK1 anh hùng.
QUÂN DÂN NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU
Xuân Giáp Ngọ này, những người lính Trường Sa, DK1 cũng có đầy đủ hương vị mùa xuân từ nhân dân mọi miền Tổ quốc gửi tặng. Những phần quà ấy chẳng lớn lao nhưng chứa đựng bao nghĩa tình sâu nặng của quân dân cả nước. Chuyến tàu đầu tiên năm 2014 xông biển, hải trình trong bạt ngàn sóng gió vừa trở về sau 14 ngày, đem 6 tấn quà tết chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ 16 nhà giàn DK1, 9 tàu trực trên biển, 1 trạm radar Côn Đảo, 7 cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo. Ở Trường Sa, quà tết được chuyển xuống tàu, chuyển tải đưa vào đảo nhỏ. Ở nhà giàn DK1, quà được cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Tàu và nhà cách nhau chừng 30m nhưng không bắt được tay nhau, chỉ biết gửi nỗi nhớ vào sóng gió, chúc tết qua bộ đàm, thầm chúc cho nhau một năm mới an lành, sức khỏe.
Ngay sau khi đón nhận quà xuân từ đất liền, các chiến sĩ tổ chức gói bánh chưng, mổ heo, gói giò đón tết sớm. Ở Trường Sa, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, ở nhà giàn, lá gói bánh chưng đem ra từ đất liền.
Trường Sa đón tết, biển đã vào xuân. Mặc cho sóng gió cuồng phong, mặc cho khó khăn gian khổ, các anh vẫn yêu đời thiết tha, hát bài ca Người lính biển. Đó là tiếng hát Tổ quốc vọng về từ biển cả, để mỗi lần nhắc hai tiếng Trường Sa, mỗi chúng ta như thấy Tổ quốc gọi tên mình.
Mai Thắng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065