Du khách có thể nghỉ ngơi hoặc câu cá trong nhà nổi được Hạt kiểm lâm Bù Đốp bố trí ngay trong rừng
Sự hồi sinh không tưởng
Để Nhà máy thủy điện Cần Đơn (Bù Đốp) đi vào hoạt động, Bình Phước phải đánh đổi hơn 30.000 ha rừng ở thượng nguồn. Do vậy mà 30.000 ha rừng kia phải dọn sạch để nhường chỗ cho dung tích hồ chứa. Tuy nhiên, mực nước dâng của nhà máy thủy điện hàng năm vẫn không thể phủ kín đất rừng. Trước thực trạng đó, Bình Phước có chủ trương đưa cây cao su vào trồng trên những doi đất rừng của lòng hồ thủy điện Cần Đơn theo Chương trình 661.
Xót cho những cánh rừng khai thác trắng, lo cho thế hệ mai sau chỉ còn biết đến rừng qua từng trang sách, năm 2005, ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã đứng ra tự nhận 120 ha đất rừng trong lòng hồ thủy điện Cần Đơn để khoanh nuôi bảo vệ. Vị hạt trưởng được mệnh danh là “sát thủ” với lâm tặc này phải mất đến 3 năm vác đơn đi gõ cửa từng cơ quan chức năng mới được chấp nhận. Trước khi giao về cho Hạt kiểm lâm Bù Đốp khoanh nuôi bảo vệ, ông phải thay mặt đơn vị đứng ra cam kết và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu rừng không được tái sinh. Đất và rừng đứng trước lòng tham của không ít lâm tặc, rẫy tặc rồi dao búa tặc.
Rừng bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn đẹp như một bức tranh thủy mạc
Ông Nguyễn Văn Ách, còn gọi là Bảy Ách cùng cán bộ, nhân viên Hạt kiểm lâm Bù Đốp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Có lúc lâm tặc còn mang cả hòm đặt ngay trước Hạt kiểm lâm Bù Đốp với dòng chữ “Kính tặng Bảy Ách”. Không nao núng trước những manh động của kẻ phá rừng, Bảy Ách cùng đồng đội đã đưa ra từng phương án cụ thể để rừng tái sinh. Ông và đồng đội lặn lội lên tận phía thượng nguồn của sông Đắk Quýt để tìm cây gáo nước về trồng trên đất trống. Thế nhưng, cây gáo nước ở phía thượng nguồn không thích hợp ở vùng đất bán ngập nên không phát triển. Năm 2011, ông lội ngược về miền Tây để tìm giống cây tràm và gáo nước. Cùng với cây rừng, ông đưa cả ngàn cây chuối về đây để trồng với mục đích tăng thêm thu nhập cho anh em trong cơ quan.
Sau 1 năm, cây tràm và gáo nước ở miền Tây tỏ ra thích hợp với vùng đất bán ngập của lòng hồ nên vươn lên xanh tốt. Trên cơ sở đó, năm 2012, Hạt kiểm lâm Bù Đốp tiếp tục trồng thêm 30 ha rừng tràm và gáo nước. Sau 2 năm trồng ở vùng bán ngập, tràm, gáo, chuối vươn lên xanh tốt. Chim, nhím, cheo, khỉ cùng heo rừng kéo nhau về làm tổ. Hàng ngàn cây chuối mới lên trở thành miếng mồi ngon của lũ heo rừng nên đã nhanh chóng ra đi cả thân lẫn gốc. Cùng với diện tích rừng trồng, những cây sao, dầu, lồ ô ở phía đồi cao cũng đua nhau vươn lên thành rừng. Bò vàng, bò tót, gấu ngựa, gấu chó, voi rừng và cả vượn, khỉ cũng tìm về trú ngụ.
Sức hút phía thượng nguồn
Đang trong mùa nắng hạn, con đường đất dẫn vào chốt kiểm lâm ở huyện biên giới Bù Đốp nóng như đổ lửa. Thế nhưng khi đặt chân đến chốt kiểm lâm bên lòng hồ thủy điện Cần Đơn, mọi mệt nhọc của kẻ lữ hành trong tôi tan biến. Thay vào đó là một cảm giác mát rượi đến lạ thường. Chiếc “du thuyền” 300 mã lực được hạ thủy từ năm ngoái đang đứng bên hồ đợi du khách thập phương. Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách đưa tôi lên chiếc ca-nô phục vụ cho việc tuần tra trên lòng hồ thủy điện. Sau một cú giật dây, vào số, chiếc ca nô xé nước lướt trên mặt sông. Hơi nước kết hợp với gió rừng lau khô những giọt mồ hôi giữa trưa hè nóng bức.
Chẳng mấy chốc chiếc ca-nô đã đi qua ngã ba Vàm. Khu vực ngã ba này có khoảng 30 hộ dân từ mọi miền đất nước hội tụ về đây sống bằng nghề chài lưới trên sông. Những căn nhà nổi của họ trên lòng hồ giống như một nét chấm phá khiến cho bất kỳ du khách nào cũng tò mò muốn ghé qua. Chiếc ca-nô không xuôi dòng theo về sông Sài Gòn mà rẽ trái, ngược về phía thượng nguồn của sông Đắk Quýt. Người lái ca-nô bắt đầu hạ ga cho thuyền chạy chậm rãi trên sông bên những cánh rừng nguyên sinh vừa được tái sinh. Dưới mặt nước, loài cồng cộc vỗ cánh, vẫy đuôi lặn hụp, trên mặt sông chim điên điển chao liệng săn mồi.
Trên ca-nô, Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách chỉ về khu rừng lồ ô có diện tích chừng 20 ha cho biết: “10 năm trước, cả khu rừng lồ ô đầy heo, nhím, cheo kia là vùng đất chết. Còn bây giờ, nó trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những đợt hội trại của học sinh. Mỗi tuần, chúng tôi đều đưa các đoàn khách ở những tỉnh phụ cận tới đây tham quan và tìm hiểu về môi trường. Họ thích lắm!”.
Chiếc ca-nô tiến dần về khu rừng nguyên sinh ở giữa lòng hồ, từ trên cây cổ thụ, đàn khỉ ào ào chuyền cành rồi tuông nhau nhảy vào rừng rậm. Tôi đưa máy ảnh bấm liên hồi nhưng chỉ còn lại những tiếng xào xạc của cây rừng sau khi đàn khỉ lao qua. Tôi cảm nhận mình đang chạm vào sự sống của muông thú nơi rừng già bên sông nước mênh mông. Sự hài hòa giữa rừng và sông nước cùng với muông thú và những căn nhà nổi nơi lòng hồ thủy điện Cần Đơn như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, rất riêng của Bù Đốp.
Giấc mơ về ngành công nghiệp không khói
“Tôi chỉ mới đi một nửa nhưng thật sự bị những cánh rừng tái sinh nơi lòng hồ thủy điện Cần Đơn cuốn hút. Nhiều học sinh trong huyện Bù Đốp cũng đến đây để nhận biết về rừng theo cách cảm nhận của mình. Mọi du khách khi tìm đến đây cũng được hiểu hơn về sự đa dạng sinh học và tầm quan trọng của môi trường bằng trải nghiệm của bản thân mà không một hình thức tuyên truyền nào hiệu quả hơn. Bình Phước và Bù Đốp phải làm gì để du khách đến, để người dân tại đây được hưởng lợi từ những cánh rừng tái sinh ngay trong lòng hồ này đang là nỗi trăn trở của tôi”. Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng |
Ngồi trên ca-nô, Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách tâm sự: “Từ Suối Đỉa đến ngã ba Vàm và khu nhà ngói trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn có khoảng 50 hộ dân. Họ đến từ mọi miền của đất nước để về đây kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông. Nếu dòng sông và những cánh rừng nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái thì chính họ là những người làm du lịch và trực tiếp được hưởng từ du lịch. Cả khu rừng lồ ô hàng vạn cây kia sẽ giúp họ làm lại những căn nhà nổi trên lòng hồ này. Còn hiện tại, họ đang là sức ép, rất dễ tác động đến những cánh rừng tái sinh vì điều kiện cuộc sống”.
Bình quân mỗi tuần, Hạt kiểm lâm Bù Đốp đều được tiếp đón và hướng dẫn các đoàn khách về đây tham quan. Tuy nhiên, khách đến rồi lại đi vì chưa có bất kỳ dịch vụ nào để giúp họ mua sắm làm kỷ niệm. Các nhân viên của hạt kiểm lâm nhận hướng dẫn du khách cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng. Mỗi chuyến hướng dẫn cho du khách, nhân viên kiểm lâm chỉ lấy đủ tiền xăng chạy ca-nô chứ không thể thu phí như các công ty du lịch. “Trong dịp 30-4 vừa qua, có công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh đặt tour du lịch đến 200 người. Ngoài việc tham quan trên lòng hồ, họ yêu cầu phải có chỗ ăn, chỗ nghỉ qua đêm. Thế nhưng, chúng tôi là những người trồng rừng, bảo vệ rừng chứ đâu phải làm du lịch nên không dám nhận lời” - Hạt trưởng Ách tiếc hùi hụi.
Các dân tộc bản địa của Bù Đốp đang còn lưu giữ những ngành nghề truyền thống như đan gùi, làm nỏ, dệt thổ cẩm, cơm lam... rất thích hợp cho du lịch sinh thái mang tính nhà vườn. Cùng với đồng bào dân tộc bản địa, các hộ dân trên lòng hồ được sắp xếp lại để đánh bắt cá có kiểm soát nhằm phục vụ cho du khách thì tuyệt biết mấy - Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách đưa ra ý tưởng.
Còn Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng đang đứng trước trăn trở: Phải làm sao để du khách đến đây có thể tự mua sắm, người dân địa phương phải có gì để họ mua sắm. Đừng để họ mang tiền đến tham quan rồi mang tiền về mà không biết mua thứ gì để làm kỷ niệm cho một chuyến đi. Bù Đốp đang rất cần và mời gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực về đây làm du lịch.
Năm ngoái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ và xuất nhập khẩu Hải Vương, anh Huỳnh Thành Chung cùng các thành viên trong công ty đến đây tham quan. Anh ấy bảo: “Tôi đã bỏ không ít đô la để sang các nước Tây Âu học hỏi kinh nghiệm trồng rừng. Những khu rừng tôi đã đi qua ở trời Âu vẫn không thể sánh bằng các cánh rừng xen lẫn trong nước ở Bù Đốp. Một bài học về môi trường rừng ở ngay trước mắt mà bao năm tôi không nhận ra” - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách nhớ lại. |
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065