Pháp luật chưa quy định cụ thể về tiền thưởng vào dịp tết Dương lịch hay tết Nguyên đán đối với người lao động. Trong ảnh, công nhân Công ty TNHH Nan Tong (Chơn Thành) trong buổi họp mặt cuối năm - Ảnh: K.B
Tuy nhiên, tiền thưởng hay giá trị của phần thưởng sau một năm lao động của cả người lao động và người sử dụng lao động nó hàm chứa những nội dung sau: Thứ nhất, nó phản ánh chính xác, trung thực hiệu quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp. Thứ hai, nó là thước đo về năng lực quản lý, điều hành hoạt động trong đơn vị của người sử dụng lao động. Thứ ba, qua phần thưởng mà người lao động biết rõ năng lực của mình được người sử dụng đánh giá như thế nào và cũng từ đó người lao động biết được vị trí của mình trong đơn vị. Thứ tư, mức tiền thưởng nói lên sự quan tâm của người sử dụng lao động đối với người lao động; đồng thời là nguồn động viên, khích lệ cả người sử dụng lao động và người lao động đối với công việc đang làm...
Chính vì vậy, hằng năm cứ mỗi khi tết đến, xuân về thì ở trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại rộ lên chuyện tiền thưởng tết. Từ 2 tuần nay, trên phương tiện thông tin đại chúng dường như ngày nào cũng có thông tin về chuyện tiền thưởng ở đơn vị này, doanh nghiệp kia ở trong hoặc ngoài tỉnh. Ngày 19-1-2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có cuộc họp báo thông báo tình hình lương thưởng tết năm 2016. Theo đó, mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI ở Hải Dương là 642 triệu đồng/người thì mức thưởng thấp nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI của Bình Phước, với mức thưởng chỉ có 40 ngàn đồng/người.
Về thưởng tết Dương lịch năm 2016, cả nước có 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng tết Dương lịch với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2015 (1,16 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất là 2,028 tỷ đồng/người tại một doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh. Người có mức thưởng thấp nhất là 24 ngàn đồng/người, thuộc về doanh nghiệp FDI ở Thái Bình.
Từ phân tích trên cho thấy, tiền thưởng hay phần thưởng tết Dương lịch và tết Nguyên đán không những chỉ có người lao động mà còn được cả xã hội quan tâm. Thế nhưng rất tiếc, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể vấn đề tiền thưởng tết Dương lịch và tết Nguyên đán mà vấn đề này chỉ mới được đề cập tới ở khía cạnh quyền lợi về thưởng. Cụ thể, tại Điều 12 trong Luật Viên chức là những quy định về quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương. Theo đó, tại Khoản 3 của điều này có nội dung như sau: “Viên chức được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập”. Còn ở Điều 12 của Luật Cán bộ công chức năm 2008 là những quy định về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, với nội dung như sau: “Cán bộ, công chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay, trong tất cả văn bản pháp luật, duy chỉ có Bộ luật Lao động năm 2012 là quy định khá rõ về tiền thưởng. Tuy nhiên, những quy định về tiền thưởng trong bộ luật này cũng mới chỉ dừng lại ở khái niệm tiền thưởng là gì và quy chế thưởng là do người sử dụng lao động quyết định. Cụ thể, tại Điều 103 của Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định như sau: 1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. 2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Từ cơ sở pháp lý trên đây cho thấy, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiền thưởng vào cuối năm Dương lịch hay dịp tết Nguyên đán. Mà căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động, hoặc quy chế chi tiêu của đơn vị về tiền thưởng và quan trọng là hiệu quả sản xuất - kinh doanh hay hoạt động dịch vụ để đơn vị quyết định việc trả thưởng cho người lao động.
N.M
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065