Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm về thông tin liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Từ chuyện vị này xây biệt thự “khủng” trên khuôn viên hàng chục ngàn mét vuông, sở hữu nhiều tài sản lớn và đặc biệt là ông đã ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ chỉ trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu. Mới đây, một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc sở đã ký quyết định bổ nhiệm 19 cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương trước lúc “hạ cánh” vào ngày 1-3-2014.
Bổ nhiệm cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ. Trước khi bổ nhiệm phải trải qua các khâu đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, đề bạt. Trong đó, đánh giá và bổ nhiệm là hai điểm nhấn quan trọng nhất. Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thế nhưng, thời gian qua, việc đánh giá cán bộ nhìn chung vẫn theo lối mòn, cảm tính, chung chung, nặng về tình trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Từ đó dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ còn nhiều sai sót, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội, yếu kém về năng lực nhưng giỏi nịnh hót, “đi đêm”, quan hệ leo lên các vị trí lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị... Đã có nhiều bài học đắt giá về công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ mà điển hình là Dương Chí Dũng - bị cáo bị tòa tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước khi được bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, ông Dũng đã điều hành nhiều đơn vị đi đến... bờ vực phá sản, trong đó có Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Thế nhưng trong đánh giá cán bộ, các cấp có thẩm quyền đều đánh giá Dương Chí Dũng vẫn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” và nhiều mặt “tốt, nghiêm túc, đầy đủ”.
Trở lại câu chuyện bổ nhiệm cán bộ “phút 89” của hai vị nguyên lãnh đạo nói trên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, liệu việc bổ nhiệm có theo đúng quy trình, nhất là khâu đánh giá cán bộ? Đằng sau sự bổ nhiệm “cấp tập” này có vấn đề gì khuất tất? Trách nhiệm của tập thể cấp ủy, ban lãnh đạo của hai cơ quan này đến đâu? Theo ý kiến cá nhân tôi, dù với lý do nào thì việc làm này chắc chắn sẽ tạo tiền lệ xấu, gây nên những khó khăn, trở ngại không nhỏ cho công tác lãnh đạo, điều hành của người kế nhiệm. Tại nhiều cơ quan, đơn vị đang tồn tại một thực tế “đưa lên” thì dễ nhưng “đưa xuống” là cả một vấn đề. Người kế nhiệm muốn bổ nhiệm những cán bộ có năng lực cũng khó vì... không còn chỗ!
Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu tuyển dụng lẫn bổ nhiệm cán bộ. Những trường hợp không thực hiện đúng quy trình, vượt định mức quy định thì kiên quyết không bổ nhiệm.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065