BP - Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km thuộc 5 huyện, với 25 xã bãi ngang ven biển, 3 xã đảo, 4 cửa biển và có vùng biển trải rộng hơn 11.000km2. Quảng Ngãi không chỉ nổi tiếng với huyện đảo Lý Sơn mà dọc bờ biển còn có nhiều danh lam thắng cảnh; đồng thời biển cũng là nguồn sống của một bộ phận cư dân trong tỉnh. Biển, đảo có những tiềm năng to lớn, tạo ra nhiều cơ hội cho Quảng Ngãi phát triển và vững bước đi lên trong quá trình đổi mới, hội nhập.
Ngoài “đặc sản” Lý Sơn, bờ biển Quảng Ngãi có nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Nổi bật là các di chỉ tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn. Các chuyên gia nhận xét rằng, hiếm nơi nào lại có mật độ tàu cổ đắm dày đặc như ở vùng biển Bình Châu. Trên thế giới, ngoại trừ khu vực Tam giác quỷ Bermudar ở Đại Tây Dương là nghĩa địa tàu đắm lớn nhất, cho đến nay vẫn chưa phát hiện nơi nào có mật độ tàu đắm nhiều như ở vùng biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó vùng biển Bình Châu được đánh giá là di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới, bởi nơi đây có nhiều di tích miệng núi lửa, có chỗ rộng tới 30m2; cùng với rạn san hô cộng sinh dày đặc trên đảo đá trầm tích... Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo của Quảng Ngãi rất lớn, chỉ cần khai thác một trong những lợi thế đã có thể trở thành trung tâm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi còn có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh dọc ven biển Long Thạnh. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật như chum, nồi, khuyên tai, vòng đeo... Điều đó cho thấy từ thời tiền sử cư dân ven biển Quảng Ngãi đã sáng tạo được vật dụng phục vụ đời sống. Dọc chiều dài bờ biển Quảng Ngãi còn có nhiều đền, đình, miếu... như di tích đền thờ cá Ông và các đình làng, âm linh tự thờ các vị thần thành hoàng, những người có công lập làng, là sự biểu hiện tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt cộng đồng của cư dân miền biển. Các di tích này đều có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Đặc biệt là hệ thống di tích liên quan đến đội Hoàng Sa - Bắc Hải trên đảo Lý Sơn và các làng chài ven biển, đình làng An Vĩnh, An Hải, nhà thờ các cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật... Gắn liền với các di tích tín ngưỡng là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là một trong những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam...
Một góc cảng biển Dung Quất - Ảnh tư liệu
Quảng Ngãi sở hữu và lưu giữ cả kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, phản ánh một cách sinh động cuộc sống của cư dân vùng biển đảo. Hằng năm, nhân dân ở các làng vạn chài đều tổ chức lễ hội như đua thuyền tứ linh truyền thống, ra quân đánh bắt thủy sản, lễ hội Nghinh Ông...
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa bờ, chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Những năm gần đây, mặc dù tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định phát triển kinh tế biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Theo đó, thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Quảng Ngãi xác định 4 trụ cột trong phát triển kinh tế biển đảo, đó là: Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu đô thị ven biển; kinh tế biển đảo bảo đảm đồng bộ cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; cảng biển, vận tải biển; công tác cứu hộ, cứu nạn và an ninh, an toàn trên biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và các huyện ven biển, đảo đóng góp trên 75% GDP của tỉnh. (*)
Đức Hồng
(*) Bài viết có sử dụng nguồn quangngai.gov.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065