Trong những năm qua, nhiều nước đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất điện mặt trời trên mặt nước sông, hồ và trên biển. Các nước Australia, Anh, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản và Ý... phát triển mạnh về điện mặt trời ở hình thức này để thay thế nhà máy điện hạt nhân. Ở nước ta, dự án “Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi” được hình thành từ đầu năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét chủ trương cho Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim nghiên cứu và đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận)... Sau đó, nhiều dự án về điện mặt trời tại hồ thủy lợi, thủy điện ở một số địa phương đã được triển khai. Nước ta hiện có trên 7.000 hồ thủy lợi với diện tích hàng triệu héc ta, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời nổi trên mặt nước. Nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước hồ thì tổng điện năng có thể đạt tới 15.000MWp. Các chuyên gia cho rằng, việc khai thác điện mặt trời tại hồ thủy lợi sẽ có nhiều lợi thế về mặt bằng, đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tại Bình Phước, từ cuối năm 2018, dự án điện năng lượng mặt trời có vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, với tổng công suất thiết kế 800MWp đã chính thức khởi động. Tuy nhiên, dự án này được xây dựng trên diện tích 4.000 ha vốn là đất rừng nghèo kiệt thuộc huyện Lộc Ninh, còn tiềm năng các hồ thủy lợi vẫn đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 hồ thủy lợi lớn và 3 hồ thủy điện, gồm: hồ thủy lợi Phước Hòa rộng 2.077 ha, hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha, cùng 3 hồ thủy điện là Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng rộng hàng chục ngàn héc ta. Hiện hồ Dầu Tiếng phía Tây Ninh đang xây dựng nhà máy điện mặt trời trên 720 ha đất vùng bán ngập với sản lượng khoảng 690 triệu kWh/năm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, vô hạn và miễn phí. Đặc biệt, điện mặt trời rất an toàn đối với sức khỏe con người, không gây ra bất kỳ mối nguy hại nào cho môi trường và hiệu ứng nhà kính. Riêng việc xây dựng nhà máy điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi, thủy điện sẽ khai thác tối đa nguồn tài nguyên phong phú này; đồng thời, đây còn là lối mở để ngành thủy lợi phát triển theo hướng đa mục tiêu, đa nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời tại hồ thủy lợi, thủy điện tại Bình Phước sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Đồng thời, giải quyết được vấn đề môi trường, an ninh năng lượng trong tương lai và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ngành chức năng cần có những định hướng, các tiêu chí, quy định và hành lang pháp lý..., tránh triển khai ồ ạt các dự án làm ảnh hưởng đến sự vận hành và cung cấp nước của các hồ chứa.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065