Thời gian qua dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về tình hình dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Ngành giáo dục cũng đã có nhiều văn bản quy định về việc quản lý dạy thêm, học thêm. Bên cạnh những mặt tích cực thì việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, thậm chí là tiêu cực, không chỉ làm giảm uy tín của ngành giáo dục mà còn gây tâm lý nặng nề, căng thẳng cho học sinh.
MẶT TÍCH CỰC
Để đáp ứng nhu cầu của người dạy và người học cũng như quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, các cấp quản lý nhà nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc học thêm, dạy thêm. Hiện nay, các hình thức dạy thêm chủ yếu như: dạy thêm, học thêm trong trường ở loại hình trường, lớp 1 buổi, 2 buổi tiểu học, THCS, dạy 1 ca, 2 ca THPT do nhà trường quản lý có phân công giáo viên, sắp xếp nội dung; dạy thêm, học thêm tại nhà riêng của giáo viên hoặc do các thầy, cô giáo liên kết mở; dạy kèm tại nhà theo kiểu gia sư... Tuy nhiên, chỉ có hình thức dạy thêm, học thêm được tổ chức tại trường mới được quản lý chặt chẽ về chuyên môn, nội dung và thực hiện việc thu học phí theo quy định, còn các hình thức khác rất khó quản lý và kiểm soát.
Một lớp học ở trường THCS Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài (Ảnh minh họa)
Đánh giá một cách khách quan thì việc dạy thêm, học thêm đúng quy định đã có những tác dụng tích cực, giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, khắc sâu và phát triển tư duy đáp ứng được nhu cầu của phần lớn các đối tượng học sinh khác nhau. Qua đó giáo viên không ngừng tìm tòi hoàn thiện về kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng đòi hỏi chuyên môn của ngành. Một số trường do quản lý tốt việc dạy thêm, dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu, kém cuối khóa, nên các kỳ thi tốt nghiệp đều có tỷ lệ học sinh đậu cao. Nhiều trường tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi tốt, nên số lượng học sinh đạt giải ở các cuộc thi ngày càng tăng. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường được phụ huynh, học sinh ủng hộ, đặc biệt là giúp nhà trường quản lý tốt, giảm thiểu tình trạng giáo viên tổ chức dạy thêm tràn lan ngoài nhà trường. Dạy tại trường còn giúp phụ huynh quản lý con em mình tốt hơn, hạn chế tình trạng học sinh sa đà vào các tệ nạn xã hội.
MẶT TIÊU CỰC
Bên cạnh mặt tích cực thì dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài nhà trường, không xin phép, không có kế hoạch, không có nội dung học cụ thể, thu học phí không đúng quy định và cao hơn mức quy định là tiêu cực. Qua báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm của các phòng giáo dục huyện, thị xã và các trường về Sở Giáo dục - Đào tạo, vừa qua có 2/7 phòng giáo dục báo cáo “không có” trường, lớp, giáo viên dạy thêm và học sinh học thêm. Qua kiểm tra đánh giá tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng: Hiện nay một bộ phận giáo viên vì nguồn thu từ dạy thêm đã có hành vi buộc học sinh học thêm bằng những hình thức phi sư phạm, như: Cắt xén chương trình, chỉ dạy lý thuyết không dạy thực hành trong giờ chính khóa, buộc học sinh học thêm mới đủ kiến thức cơ bản, buộc học sinh muốn thực hành phải học thêm, dạy trước cho học sinh những kiến thức bài tập sẽ cho kiểm tra hoặc thi; tìm mọi cách hạ điểm, kiểm tra đột xuất các học sinh không học thêm tạo tâm lý lo sợ để học sinh phải đi học thêm. Không ít trường hợp tổ chức dạy thêm vào ban đêm, hoặc dạy thêm đối với các học sinh đã học 2 buổi tại trường. Tình trạng dạy thêm đối với học sinh tiểu học kể cả học sinh học 2 buổi vẫn diễn ra phổ biến. Rất nhiều cơ sở, điểm dạy thêm ngoài nhà trường không xin phép, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, ánh sáng, hoặc tổ chức dạy vào ngày lễ, ngày nghỉ gây phiền hà cho học sinh và phụ huynh. Tình trạng này đã tạo cho học sinh tâm lý học đối phó, mất tính tự giác, học nhiều mà tiếp thu không được bao nhiêu, không có thời gian cho học sinh giải trí, nghỉ ngơi, đồng thời không phát huy được tính năng động, sáng tạo trong tư duy của học sinh.
Rõ ràng dạy thêm, học thêm không còn là vấn đề của ngành giáo dục mà cần phải có sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức xã hội, trong đó ngành giáo dục phải giữ vai trò chính trong việc tham mưu cũng như chủ động thực hiện và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, điều hành dạy thêm và học thêm. Trong quá trình phát triển hiện nay thì dạy thêm, học thêm vẫn là nhu cầu không thể thiếu của người học cũng như của xã hội và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép dạy thêm, học thêm. Nhưng trước hết dạy thêm phải xuất phát từ nhu cầu học tập chính đáng của số đông học sinh, được sự đồng tình của phụ huynh và có sự quản lý của ngành giáo dục và các cơ quan nhà nước.
Kim Phụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065