Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, gồm 752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối GDTX.
Công tác chấm thi đúng quy chế tại các cụm thi
Bộ GD&ĐT cho biết, công tác chấm thi tiến hành ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng (4/7/2015). Đến ngày 20/7, tất cả các cụm thi đã hoàn thành công tác chấm thi và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Sau khi tổng hợp số liệu của tất cả các cụm thi, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả điểm thi của thí sinh trên các trang mạng tra cứu miễn phí (trang mạng của Bộ GD&ĐT, các trang mạng của các trường đại học trực thuộc Bộ được giao công bố dữ liệu thi và các trang mạng báo điện tử có đăng ký dẫn truyền dữ liệu thi với Bộ GD&ĐT) bắt đầu lúc 14 giờ 30 ngày 22/7/2015. Đồng thời Bộ cũng đã gửi dữ liệu thi về cho các Sở GD&ĐT để tiến hành tổ chức xét, công nhận tốt nghiệp và thông báo kết quả cho thí sinh.
Theo đánh giá của Bộ, nhìn chung, công tác chấm thi được tiến hành theo đúng quy chế ở tất cả các cụm thi. An ninh, an toàn khu vực chấm thi được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra các hội đồng chấm thi. Cho đến nay, không có sai phạm trong công tác chấm thi được phát hiện.
Tỉ lệ tốt nghiệp phản ánh đúng chất lượng thí sinh
Bộ GD&ĐT cho hay, hiện các Sở GD&ĐT đang họp Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT chính thức. Khi có kết quả các Sở sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT cho các thí sinh theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia.
Căn cứ vào cơ sở dữ liệu, Bộ cũng đưa ra một vài đánh giá sơ bộ về kết quả tốt nghiệp năm 2015 như sau:
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015: Khối THPT đạt 93,42%, khối GDTX đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.
Đây là kết quả của việc nâng cao chất lượng đề thi theo hướng mở, chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực và có tính phân hóa cao,
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 có giảm so với các năm trước, tuy nhiên điều này phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt hơn; do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.
Tỉ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn GDTX. Điều này cũng phản ánh thực tiễn khác nhau về chất lượng giáo dục của 2 phương thức giáo dục này.
Tỉ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn ở các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Như vậy, tỉ lệ này phù hợp với thực tế là ở các cụm thi do các trường đại học chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn. Kết quả này là bằng chứng khẳng định: Không có cơ sở nói rằng các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do các trường đại học chủ trì.
Kết quả tỉ lệ tốt nghiệp khác nhau giữa các tỉnh/thành phố cũng phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các địa phương. Những nơi có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao đều là tỉnh/thành phố có điều kiện giáo dục phát triển tốt hơn.
Như vậy, cho tới thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được yêu cầu đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW: Gọn nhẹ hơn, tiết kiệm hơn; phản ánh đúng chất lượng giáo dục; giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội; cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học; góp phần điều chỉnh hoạt động dạy học ở cấp THPT.
Sau khi Bộ công bố phổ điểm, các Sở GD&ĐT sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và thông báo kết quả cho thí sinh; đồng thời thu nhận và phối hợp với các cụm thi xử lý kịp thời các đơn phúc khảo của thí sinh.
Bắt đầu từ 1-8, các trường Đại học, Cao đẳng nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 và tổ chức xét tuyển theo danh sách thí sinh đăng ký dựa trên kết quả thi và chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng các quy định của quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Bộ GD&ĐT sẽ thu thập ý kiến trong ngành và xã hội, phân tích đánh giá để rút kinh nghiệm hoàn thiện các công việc về tổ chức thi, đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp chỉ đạo kỳ thi cho những năm tiếp theo.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065