Mang vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng như vậy nên Mộc Châu luôn là điểm đến du lịch của nhiều gia đình trẻ vào dịp cuối tuần bởi nó chỉ cách Hà Nội chừng 185km cộng thêm đường sá lại rất dễ đi.
Ẩm thực cũng là một nét rất đặc sắc của vùng đất cao nguyên Mộc Châu. Có hàng chục quán ăn ven đường với biển hiệu xanh đỏ ghi chi tiết các món đặc sản như bê chao, cá hồi, cải mèo, xôi nương, canh sọ mán…
Dĩ nhiên, đại đa số khách du lịch gần như chỉ biết đến những cái tên quen thuộc vốn được bày sẵn đó mà quên đi rằng Mộc Châu còn giữ trong mình nhiều món ăn cực kỳ độc đáo mà không nơi nào có được. Đó là những món ăn của người Thái - một trong những dân tộc sinh sống nhiều tại Sơn La.
Xuýt xoa với "chẳm chéo nhót xanh"
Nếu ai đã lên Tây Bắc, ngồi với người Thái ở Sơn La, Điện Biên sẽ biết món chẳm chéo (chẩm chéo tùy cách phiên âm) là một từ chung để chỉ gia vị chấm xôi, món luộc, đồ nướng, rau sống. Chúng được làm từ ớt tươi, muối, mắc khén, tỏi, hạt dổi, gừng, hung, rau thơm, sả… Nhưng thứ mà chúng tôi muốn nói tới lại là món ăn rất đặc biệt mang tên chẳm chéo nhót xanh.
Nó đặc biệt bởi bạn gần như chỉ được thưởng thức vào một khoảng thời gian ngắn trong năm khi quả nhót còn xanh (thường là tháng Một, Hai) mà thôi.
Bắp cải được trồng trong vườn, nhót hái trên cây, các gia vị hòa lẫn đâm nhuyễn và pha chế tạo nên nước chấm chẳm chéo. Thực khách lấy cho mình một lá bắp cải để lên lòng bàn tay, trên đó là một khúc lá tỏi tươi, rau thơm, và một nửa hoặc cả quả nhót xanh đã bỏ hạt, cuộn chặt và chấm với chẳm chéo rồi thưởng thức.
Vị mát của bắp cải, lẫn chút cay của lá tỏi, nhai thêm sẽ thấy vị chát chua của nhót với dư vị hơi ngọt phía sau, chút bùi bùi của các loại rau thơm. Tất cả chúng hòa quyện với ánh lửa bập bùng giữa nhà, với chén rượu ngô khi ngoài trời sương giăng mờ mịt thì tôi tin rằng bạn khó lòng mà không “say” cho được.
Hít mà mùi xôi nếp nương ăn với quả cọ
Xôi là món ăn quá quen thuộc với người dân Việt, có hàng chục món ăn khác nhau được chế biến từ xôi. Một trong những yếu tố để tạo nên một món xôi ngon là thứ nếp phải dẻo, thơm, không dính tay, ngọt bùi.
Thông thường, thứ nếp này được trồng trên các nương rẫy, ruộng bậc thang của người dân tộc vì thế mà thường có tên là xôi nếp nương. Nhưng thứ xôi nếp nương của người Thái ở Mộc Châu lại đặc biệt hơn. Chúng đặc biệt bởi ba yếu tố: loại nếp để làm xôi có thể là nếp cốm, đồ trong chõ bằng gỗ và ăn với quả cọ.
Bếp lửa bập bùng cháy giữa nhà không bao giờ tắt, cả chủ lẫn thực khách ngồi quây quần sưởi ấm và cùng nhìn vào chõ xôi đang tỏa khói thơm phức trên bếp. Chỉ khi nào gần ăn xôi mới được đồ chứ không đồ trước đó, sau khi đồ xong được rải ra mâm để một ít hơi nước bay đi rồi bỏ vào các giỏ bằng tre đan để cho vào mâm cơm.
Quả cọ được hái trên rừng, chọn kỹ, luộc chín. Cách thưởng thức món ăn này là bạn bóp nát quả cọ ra, bỏ hạt và phần vỏ phía ngoài chỉ để lại phần thịt quả màu vàng chứa đầy dầu cọ ấy rồi trộn với nắm xôi dàn mỏng giữa lòng bàn tay. Cái dẻo thơm của nếp cốm quyện cùng thứ dầu tinh khiết của tự nhiên mang lại vị béo mà không ngầy, ăn ở miệng mà thơm tận mũi.
Đậm đà thịt chả nướng lá dong
Món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của bà con người Thái ở Mộc Châu là thịt chả băm nướng lá dong. Thịt (lợn hoặc bò) được băm nhỏ (phải băm bằng tay) trộn với các gia vị đặc trưng như mắc khén, sả,… rồi gói trong lá dong và nướng trên bếp than hồng.
Khi lớp lá dong ngoài cùng cháy sém và mùi thơm của mắc khén đã dậy khắp bếp báo hiệu thịt đã chín. Thịt được cho ra đĩa, cắt thành các miếng nhỏ rất vừa miệng. Bạn có thể ăn không món này hoặc ăn cùng với xôi hoặc cơm đều được.
Cá nướng mắc khén cay nồng
Không riêng gì ở Mộc Châu, món cá nướng này cũng thường gặp ở vùng lòng hồ Hòa Bình. Hạt cây mắc khén được bà con dân tộc vùng Tây Bắc dùng rất nhiều trong các bữa ăn, để tẩm ướp hoặc cho vào nước chấm giống như người dưới xuôi dùng hạt tiêu vậy. Các gia vị như sả, mắc khén, muối,… được nhồi vào từng khứa thịt của cá sau đó nướng trên than hồng. Cá trắm ở hồ sông Đà thường được dùng để làm nên món ăn này. Vị ngọt của cá lẫn vị bùi cay nồng của mắc khén khiến thực khách cứ muốn ăn mãi.
Rau rừng, măng đắng, cà luộc
Nếu người dưới xuôi có món rau thập cẩm (hay còn gọi là tập tàng) thì người Thái ở Mộc Châu có món rau rừng rất thú vị. Nó là hỗn hợp của nhiều loại rau được lấy trên rừng như rau dớn, tầm bóp… được rửa sạch, xào lẫn với nhau. Một món ăn khác là món măng đắng xào hoặc luộc cũng có thể khiến nhiều người thích thú. Món cà luộc với vị mát ngọt cũng rất đáng để thưởng thức.
Ngọt chát với quả móc nương
Không phải dễ dàng gì để bạn thưởng thức được món móc nương này bởi chúng được lấy từ phần gốc của cây móc nương trên rừng. Ruột cây có màu trắng, ăn vào rất mát, bùi, một chút hơi chát và vị ngọt ở sau cùng.
Một số món ăn khác
Ngoài các món ăn kể trên, bạn cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn khác như Nậm Pịa, thắng cố, cá hấp lá đu đủ, canh lá sắn, cá suối chiên…
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065