BP - Mấy ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Nhìn thấy cảnh nước ngập mênh mông trắng đồng, nhà cửa chỉ còn nhô lên cái nóc, giao thông Bắc - Nam cả đường bộ và đường sắt bị chia cắt... Đặc biệt là đã có hàng chục người chết và mất tích, hơn trăm ngàn ngôi nhà bị thiệt hại do lũ lụt, hàng chục ngàn héc ta hoa màu bị hư hại. Trong khi đó, cơn bão số 7 mạnh cấp 12-13 dự kiến sắp đi vào vịnh Bắc bộ và sẽ gây ra mưa lớn cho khu vực Đông Bắc bộ và Trung bộ... Những con số và thông tin nêu trên khiến nhân dân cả nước lo lắng và đang hướng về sẻ chia với đồng bào “khúc ruột miền Trung”.
Hai năm vừa rồi, miền Trung không có bão lũ vì do ảnh hưởng hiện tượng El nino, nhưng năm nay lại bắt đầu phải oằn mình chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thì nguyên nhân đợt mưa lớn này do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới từ bão số 6 suy yếu với không khí lạnh gây ra. Đây là đợt mưa được tiên liệu từ trước nhưng không thể lường được là nó lại xảy ra mưa lớn đạt đến mức kỷ lục như vậy. Nghĩa là mưa lũ gây thảm họa ở các tỉnh miền Trung là do “thiên tai”. Mà đã là tai họa do trời thì khó mà cưỡng lại được. Nhưng khi ông trời nổi cơn thịnh nộ lại có nguyên nhân sâu xa là từ những việc làm tàn phá môi trường của con người. Đó là việc rừng đầu nguồn bị tàn phá, không còn khả năng giữ nước, ngăn lũ. Đáng lưu ý, trong quá trình đô thị hóa một số thị xã, thị trấn ở miền Trung đã san lấp khu vực ven dòng chảy, cửa sông; diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị thu hẹp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, một số tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam có cao trình cao hơn so với trước tạo thành tuyến ngăn lũ. Các công trình thủy điện khi phê duyệt dự án đều bảo đảm điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Thế nhưng, nhìn lại mấy năm qua, khi những dự án thủy điện đầu các nguồn đua nhau mọc lên thì vấn đề xả lũ trở thành mối hiểm họa cho người dân, nhất là người dân nơi có địa thế vùng đất hẹp và dốc ở miền Trung. Nếu những năm trước, người dân Quảng Nam đã điêu đứng vì việc xả lũ của thủy điện A Vương, Sông Tranh... thì mấy năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình điêu đứng vì thủy điện Hố Hô. Trong đợt mưa lũ đang diễn ra, thủy điện Hố Hô bất ngờ xả với lưu lượng 500-1.800m3/giây. Chỉ trong phút chốc, 11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 4m.
Con người chưa bao giờ có thể ngăn chặn được lũ lụt, nhưng hoàn toàn có thể làm giảm thiểu tối đa những tổn thất do lũ lụt gây ra, đó là xây dựng những con đập, đê chắn và hệ thống kênh dẫn kiên cố. Đặc biệt nhất là không được tàn phá rừng, phải thân thiện với môi trường, môi sinh. Những ngày này cả nước đang hướng về miền Trung. Hàng triệu tấm lòng gửi về đồng bào vùng đất này cả vật chất lẫn tinh thần để hỗ trợ, sẻ chia. Trong đau thương người ta thường bỏ qua nhiều thứ, chỉ nghĩ đến chuyện giúp nhau, cứu người; không ai nghĩ đến việc truy tìm nguyên nhân vì sao mưa lũ lại lớn như vậy. Nhưng với các nhà quản lý thì chắc chắn sẽ phải ngồi lại cùng với các nhà khoa học để tìm ra nguyên nhân đích thực để có giải pháp phòng, chống thiên tai sau này được tốt hơn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065